Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII: Cần có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá

01/06/2010

Ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ đã có những giải pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nền kinh tế nước ta còn có những diễn biến phức tạp.

Trong tuần từ 24-28/5 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận 7 dự thảo Luật, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này, cho rằng, năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, an sinh xã hội được chăm lo, chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ đã có những giải pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nền kinh tế nước ta còn có những diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Một vấn đề khác trong tuần cũng được Quốc hội xem xét là Dự thảo Luật Nuôi con nuôi. Do vấn đề này liên quan đến yếu tố nước ngoài nên trước khi khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với đại diện Đại sứ quán của 9 nước mà ta đã ký Hiệp định Nuôi con nuôi, một số tổ chức quốc tế và tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để tham khảo. Nhiều ý kiến thảo luận về phí nuôi con nuôi, quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, yêu cầu cần quy định cụ thể các loại phí nhằm bảo đảm công khai, minh bạch các khoản chi trong nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, tránh kẽ hở phát sinh tiêu cực.

Về nuôi con nuôi ở khu vực biên giới (Ðiều 42) vẫn còn ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là vấn đề phức tạp, liên quan một số nước có chung đường biên giới với nước ta và vấn đề dân tộc, tôn giáo, phong tục của đồng bào thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số. Do vậy, cần có những quy định rất chặt chẽ. Chính phủ căn cứ vào Luật Nuôi con nuôi và tình hình thực tế để quy định việc giải quyết nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới.

Về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự, nhiều đại biểu cho rằng việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn đã bộc lộ nhiều bất cập như về pháp trường, áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án. Dự thảo luật này đã được đưa ra lấy ý kiến lần đầu của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Nhiều vấn đề nêu trong Dự thảo Luật được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp được dư luận đặc biệt quan tâm, như: nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự; Hình thức thi hành án tử hình; Giải quyết việc thân nhân xin nhận hài cốt của người bị thi hành án tử hình; Chế độ lao động, học văn hoá, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân của phạm nhân; Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát trong thi hành án hình sự. Đây cũng là 5 vấn đề còn ý kiến khác nhau được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Qua thảo luận cho thấy, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những chỉnh sửa của Dự thảo Luật Thi hành án hình sự đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp. Về quy định hình thức thi hành án tử hình (Điều 56 của Dự thảo Luật), đa số ý kiến đồng tình với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; cũng có ý kiến đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn; hoặc cả 2 hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự, đa số đại biểu Quốc hội tán thành quy định như Dự thảo Luật, rằng Uỷ ban Nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo.

Thảo luận về dự thảo Luật Thuế nhà, đất, nhiều đại biểu chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Nhà nước đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà cho người dân. Nếu áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm này trong điều kiện nền kinh tế chưa ổn định, sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng nghĩa vụ tài chính của một bộ phận người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, giá tính thuế đối với đất được áp dụng theo chu kỳ 5 năm sẽ tạo ổn định trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với người dân, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong xác định chi phí khi hoạch định chiến lược kinh doanh, nhất là trong bối cảnh thị trường nhà đất nhiều biến động.

Liên quan đến dự thảo Luật Người khuyết tật. Đa số ý kiến nhất trí cao việc các chính sách đối với người khuyết tật không chỉ đơn thuần là việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn tiến tới việc giảm thiểu, xóa bỏ các rào cản đối với người khuyết tật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà nước, gia đình, cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập và có cơ hội tham gia bình đẳng các hoạt động trong xã hội. Nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức công lập và ngoài công lập tham gia chăm sóc và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 của Chính phủ, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, Báo cáo đã phản ánh sát thực tình hình tài chính, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội và tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách. Mặc dù tình hình kinh tế năm 2008 có nhiều biến động, tác động không nhỏ tới thu, chi cân đối ngân sách nhà nước, tuy nhiên công tác hạch toán kế toán, quyết toán ngân sách năm 2008 của các Bộ, ngành và địa phương được thực hiện tốt. Công tác quản lý, điều hành, chấp hành ngân sách nhà nước năm 2008 có nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội./.

 

Xuân Sơn

(http://vovnews.vn/)