Ngày 16-6, ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) Khóa XII. Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến đánh giá cao quá trình nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) làm cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta. Ðồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm phát triển bền vững. Thời gian qua, những quy định của Luật Khoáng sản hiện hành còn nhiều bất cập, chưa thể chế hóa đầy đủ các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Các đại biểu QH đã tham gia thảo luận, cho ý kiến vào năm nhóm vấn đề chủ yếu: Chính sách của Nhà nước về khoáng sản và nguyên tắc hoạt động khoáng sản; Phân cấp trong việc quản lý cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và hoạt động khoáng sản; Quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản diễn ra; Phân cấp về việc lập quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Tài chính về khoáng sản, trong đó có vấn đề đấu giá quyền thăm dò và đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhiều đại biểu quan tâm góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Ðại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đề nghị bổ sung ý khai thác khoáng sản phải gắn liền với chế biến sâu, vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đại biểu này, một địa phương có tiềm năng khoáng sản hy vọng địa phương mình sẽ khá lên, giải quyết được nhiều việc làm cho nhân dân lao động. Nhưng sau khi khai thác, lại được vận chuyển đến nơi khác chế biến hoặc xuất khẩu thô thì không đóng góp gì nhiều cho địa phương trong khi phải chịu nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống nhân dân.
Chung quanh nội dung về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác (Ðiều 7), các đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), Ðiểu K'Ré (Ðắk Nông), Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng), Nguyễn Thị Nương (Cao Bằng), Tống Văn Thoóng (Lai Châu), Trần Hồng Việt (Hậu Giang) và một số đại biểu khác cho rằng: Thực tế hiện nay các địa phương có khoáng sản được khai thác thì môi trường bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng giao thông bị xuống cấp, tệ nạn xã hội phát sinh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hầu hết các nội dung nêu trong dự án Luật chỉ thiên về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản, hơn là quyền lợi của nhân dân địa phương. Vì thế, cần quy định rõ trong Luật: Ðịa phương được hưởng lợi những gì, việc bồi thường tái định cư, định canh ra sao, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội như thế nào, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho con em nhân dân địa phương. Một số đại biểu đề nghị nêu rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ đời sống của nhân dân, kể cả công tác định canh, định cư.
Một số đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, cần có quy định phân chia, điều tiết nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để đầu tư trở lại cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như quy định của dự thảo Luật. Ðại biểu Danh Út (Kiên Giang) và một số đại biểu đề nghị quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ðề cập Ðiều 22 liên quan khu vực tài nguyên khoáng sản nhỏ lẻ, đại biểu Triệu Sỹ Lầu và một số đại biểu khác đề nghị không quy định khai thác các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ ở khu vực nước đầu nguồn, rừng phòng hộ, đất sản xuất và mỏ sát biên giới.
Ðiều 57 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản, được phép chuyển nhượng quyền khai thác. Tuy vậy, vấn đề chuyển nhượng hiện nay không ít nơi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng vấn đề chuyển nhượng để thu được khoản lợi nhuận rất cao so với khai thác. Vì thế, một số đại biểu đề nghị quy định thêm biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hoạt động chuyển nhượng không được phép. Hiện nay việc mua đi, bán lại mỏ diễn ra rất phổ biến và gây thất thoát lớn cho Nhà nước mà doanh nghiệp là người có thu hơn tất cả. Nếu không xử lý nghiêm việc này thì dù quy định chặt thế nào cũng không ngăn chặn được.
Buổi chiều, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề về quyết toán NSNN năm 2008 và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Tổng thu cân đối NSNN là 548.529 tỷ đồng, tổng chi cân đối NSNN năm 2008 là 590.714 tỷ đồng, số bội chi NSNN là 67.677 tỷ đồng.
Với đa số phiếu tán thành, QH lần lượt biểu quyết thông qua tổng thu, tổng chi, bội chi NSNN năm 2008 và với 423 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 85,8% so với tổng số đại biểu, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2008.
Các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền đọc báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sửa đổi. Báo cáo cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật nói trên tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XII, đã có 19 lượt ý kiến phát biểu, đa số đồng tình với nhiều nội dung nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này của Ủy ban Thường vụ QH. Ðồng thời đóng góp thêm một số ý kiến cho dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi). Báo cáo đã nêu rõ các ý kiến còn khác nhau cũng như quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH và việc tiếp thu, chỉnh lý đối với chín vấn đề của nội dung dự thảo. Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) trình QH thông qua tại phiên họp này gồm bảy chương với 66 điều.
Các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều: 3, 12, 32 với đa số phiếu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) với 418 đại biểu tán thành, chiếm 84,79% tổng số đại biểu QH.
Trước khi xem xét, thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền đọc báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật nói trên. Báo cáo nêu rõ việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu QH và việc chỉnh lý vào dự thảo, cùng những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình QH thông qua tại phiên họp này gồm mười chương, 163 điều.
Các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều cụ thể với số phiếu ít nhất là 85,6% tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở kết quả đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 425 đại biểu tán thành, bằng 86,21% tổng số đại biểu QH.