HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

14/09/2019

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng ngày 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thảo luận dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ quy định về trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án để bảo đảm sự tự nguyện của các bên lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoặc thủ tục giải quyết vụ, việc theo quy định của Bô luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; xác định cụ thể hơn nội dung quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên nhằm bảo đảm sự độc lập của Hòa giải viên, Đối thoại viên khi tiến hành hòa giải, đối thoại...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên làm việc

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phát biểu góp ý dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo cần phải xác định rõ bản chất của hòa giải, đối thoại trong tố tụng hay ngoài tố tụng và mối quan hệ giữa hòa giải, đối thoại tại Tòa theo quy định dự thảo Luật này với thủ tục hòa giải, đối thoại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tại Tòa án

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, vấn đề hòa giải là một hoạt động rất tốt, không những làm giảm chi phí cho ngân sách, cho tòa án mà còn giảm được chi phí cho xã hội cho nên cần phải khuyến khích

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đồng tình với việc không thu phí đối với hoạt động hòa giải, đối thoại

Cũng liên quan đến vấn đề phí, lệ phí của việc hòa giải, đối thoại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị phí, lệ phí có thể quy định theo hướng chưa thu phí, lệ phí trong vòng 5 năm, sau 5 năm sẽ sơ kết đánh giá để có điều chỉnh phù hợp

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban soạn thảo là rõ khái niệm “đối thoại viên” trong dự thảo luật

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cân nhắc việc mời các người có uy tín trong cộng đồng làm "hòa giải viên" để tăng tính hiệu quả của việc hòa giải, đối thoại

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn đề nghị cân nhắc số lượng hòa giải viên, đối thoại viên để đảm bảo tính khả thi của dự án luật

Chánh án Tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo giải trình thêm vấn đề mà Thường vụ Quốc hội nêu

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự chuẩn bị cẩn trọng, kỹ lưỡng của Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, có sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm và nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm pháp luật của 6 nước. Đồng thời khẳng định dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác