HÌNH ẢNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

20/09/2019

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc quan tâm đến vấn đề làm thêm giờ của người lao động. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, năng suất lao động không phải dựa vào sức người mà phải dựa vào sự đổi mới công nghệ trong sản xuất. Do đó, đề nghị không nên tăng giờ làm. Nếu chúng ta đã không giảm được giờ làm thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhất trí với phương án từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Quy trình này làm rất thận trọng, biết được thời gian kết thúc, lộ trình rất từ từ tịnh tiến, trong 1 năm không có gì xáo động lắm, không có tác động gì lớn đến quỹ bảo hiểm, những biến động khác không có gì biến động...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) 

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gom lại còn có 3 vấn đề lớn tập trung thảo luận tại Phiên họp này. Về khung giờ làm thêm, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đa số không muốn tăng thời giờ làm thêm. Tuy nhiên, phương án của Chính phủ lại là tăng giờ làm. Do đó, đề nghị đưa ra Quốc hội 2 phương án: Phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thảo luận; Phương án 2 là của Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị không nên tăng giờ làm. Nếu chúng ta đã không giảm được giờ làm thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành...

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng thống nhất về vấn đề không tăng khung làm thêm giờ tối đa 300 giờ lên 400 giờ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan phối hợp nghiên cứu, thiết kế thêm để thể hiện rõ hơn việc tuổi nghỉ hưu, tại sao lại là 60 với nữ, 62 với nam?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, trong kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần trước phân tích, đánh giá rất kỹ, chúng ta chưa đồng tình với việc mở rộng khung thời gian thoả thuận lao động làm thêm, nếu đồng ý mở rộng khung thời gian thoả thuận làm thêm thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới. Đây là lý do là thuyết phục nhất.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng thống nhất ý kiến không tăng khung giờ làm

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Trọng Quỳnh