ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÁC BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

15/10/2019

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, ngày 15/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2020 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 về các mục tiêu, giải pháp, đặc biệt là những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đánh giá cơ cấu của các báo cáo, cân đối giữa kinh tế - xã hội với các mảng khác như quốc phòng, an ninh, tư pháp, đối ngoại v.v…Đánh giá về những mục tiêu, giải pháp của năm 2020 có gắn với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 liên quan đến đầu tư công, tài chính công, các giải pháp, các nhiệm vụ phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Đảng để tìm ra những biện pháp cần tập trung thực hiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020.

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra và cho rằng mặc dù năm 2019 tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường trong nước và quốc tế biến động khá mạnh, trong điều kiện nền kinh tế nước ta có độ mở lớn và hội nhập sâu, thiên tai, dịch bệnh, môi trường ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Song với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự cố gắng của các thành phần kinh tế và Nhân dân, tình hình năm 2019 đạt những kết quả toàn diện và khá tích cực.

Tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,8%, và có thể đạt gần 7% nếu cố gắng. Quy mô của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đều tăng. Cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên cả 4 mặt gồm CPI, cán cân xuất nhập khẩu, bội chi và nợ công, lao động việc làm đều đạt ổn định và có bước phát triển tốt, từ đó tạo sự phát triển vững chắc cho nền kinh tế, tăng sự tín nhiệm về tài chính nước ta.

Nhờ kinh tế phát triển đã góp phần tăng thu ngân sách vượt dự toán 3,3%, chi cân đối bảo đảm, dành được nguồn lực đáng kể cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo chi cho giáo dục, y tế, khoa học công nghệ. Kỷ cương kỷ luật tài chính được tăng cường.

Cùng với kinh tế thì văn hóa xã hội, lao động, y tế, an ninh trật tự an toàn xã hội có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Công tác quốc phòng an ninh được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại tích cực. Công tác xây dựng chính quyền có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được nâng lên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong triển khai nghị quyết cua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Chính phủ, song lưu ý nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và khâu yếu nhất là khâu tổ chức thực hiện pháp luật, chưa tốt, chưa tích cực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn đề nghị khi các Bộ, ngành, các cơ quan khi nói pháp luật chồng chéo thì phải chỉ rõ là luật nào, điều nào, khoản nào, không thể nói chung chung là hệ thống pháp luật chồng chéo, không thực hiện được. Bởi pháp luật chồng chéo, không có pháp luật thì lấy đâu cơ sở cho sự phát triển như hiện nay. Ở đây có sự mâu thuẫn trong nhận định của các cơ quan, một mặt nhận định có sự phát triển năm sau tốt hơn năm trước nhưng tồn tại hạn chế lại luôn đổ cho xây dựng pháp luật mà không nhìn nhận là do thực hiện pháp luật. Việc thực thi pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật rất yếu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng nhau rà soát để xem quy định nào có sự chồng chéo, từng ngành, từng lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, điều quan trọng của 2020 là mục tiêu tổng quát là tiếp tục duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô nhưng để duy trì được trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ thương mại, tranh chấp thương mại, tranh chấp địa chính trị của các nước lớn sẽ có tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan cần có giải pháp, chuẩn bị kế hoạch hành động cụ thể ứng phó với tình hình và báo cáo của Chính phủ cần phải bổ sung nhiệm vụ, giải pháp cho vấn đề vĩ mô này, cũng như tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại, chủ động ứng phó với rủi ro, thách thức khi hội nhập.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với các tồn tại hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra và nhân mạnh, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét, và chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đi vào những khâu những lĩnh vực mang tính cốt lõi như công nghệ đổi mới sáng tạo, cơ khí, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao; chất lượng sản phẩm du lịch; vấn đề thị trường chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…Việc sắp xếp, đổi mới các DNNN, sử lý tồn tại hạn chế trong hoạt động của các DNNN còn chậm. Quản lý và gắn với hiệu quả kinh doanh của các lĩnh vực như FDI còn những mặt cần phải tăng cường. Doanh nghiệp tư nhân phát triển khá nhưng vẫn gặp khó khăn. Liên kết vùng còn nhiều hạn chế.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược nhưng triển khai chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa có chiều sâu. Một số dự án trọng điểm quốc gia còn những hạn chế, hạ tầng truyền tải điện đang có những vấn đề cần được củng cổ.

Các giải pháp để xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai, chống sạt lở bờ biển, chống xâm ngập mặn, tình trạng thiếu nước ngọt, chặt phá rừng… còn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thì đời sống một bộ phận nông dân còn những khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các vấn đề xã hội nảy sinh chưa được giải quyết một cách căn cơ nhất là ở cấp cơ sở gây bức xúc trong Nhân dân. An ninh trật tự cần tăng cường hơn nữa, vẫn còn diễn ra nhiều vụ án nghiêm trọng, tổ chức xã hội đen, tín dụng đen, đánh bạc có tổ chức, an ninh mạng chưa ngăn chặn được thông tin xấu độc. Vấn đề tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ diễn ra phức tạp. Việc người nước ngoài trong mua bán đất, đánh bạc..vẫn xảy ra ở một số nơi. Vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ cần phải được tăng cường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị phải  hết sức lưu ý kỷ luật tài chính và thu và chi,  thu ngân sách dù vượt chỉ tiêu nhưng ở cả 3 lĩnh vực quốc doanh, FDI và khu vực ngoài nhà nước chưa đạt dự toán mà tăng thu chủ yếu là thu từ đất, một số khoản thu từ tài nguyên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các nghiệm vụ giải pháp cho năm 2020 như Chính phủ trình nhưng cũng đề nghị làm rõ hơn bối cảnh, tình hình, thách thức có thể xảy ra, tác động đến tăng trưởng trong nước như chiến tranh thương mại, tranh chấp trên biển Đông, biến đổi khí hậu…Cần làm rõ các căn cứ để xác định các chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, chú trọng các giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh đầu tư công, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Thực hiện tốt nguyên tắc tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, văn hóa xã hội, môi trường, tạo nên sự phát triển bền vững.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch năm 5 năm thì dự báo kết quả thực hiện 5 năm như thế nào. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện báo cáo, nghị quyết,  báo cáo thẩm tra để trình lên Quốc hội./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức