ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

16/10/2019

Theo chương trình Phiên họp thứ 38, sáng 16/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm bớt sự thiếu thống nhất giữa các luật, song cũng đề nghị cần có rà soát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng các nội dung được sửa đổi, bổ sung, dự kiến bãi bỏ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi 66 điều; bãi bỏ 02 điều; bổ sung 01 chương và 08 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung chính về đăng ký doanh nghiệp, quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước và các quy định về doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật được xây dựng nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).

Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Đồng thời, tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ về việc sửa luật này để bảo đảm những nội dung mà không còn tương thích với những luật đã ban hành mới gần đây; để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, giảm những gánh nặng chi phí, giảm thời gian để cho doanh nghiệp tuân thủ luật; nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của chúng ta, tăng độ an toàn cho những cổ đông, nhà đầu tư. Song, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng bản thuyết minh cũng như Tờ trình dự án Luật chưa làm rõ được luật hiện hành không tương thích với những luật nào và phải bảo đảm rằng việc sửa đổi, bổ sung 66 điều, thêm 1 chương sẽ không tạo ra sự không tương thích mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý mục tiêu xây dựng luật nhằm hoàn thiện lại để đạt những chuẩn mực thông lệ tốt, phổ biến của khu vực và quốc tế, phù hợp với tiến trình mà chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chứ không phải xây dựng khung pháp lý.

Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều nội dung của dự thảo Luật cần được thảo luận kỹ như việc có đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh ở luật hay không. Việc đưa vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp sẽ có tác động đến 4-5 triệu hộ kinh doanh, cùng với đó là hàng chục triệu lao động và liên quan đến hộ sản xuất nông nghiệp sẽ còn phức tạp hơn. Do đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nếu quy định trong luật thì sẽ điều chỉnh những gì, phải có chế tài chặt chẽ. Cùng với đó, phải xem xét cách thể hiện về khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong luật như thế nào cho hợp lý, phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5, cũng tính đến việc tránh làm chậm quá trình cổ phần hoá, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nhiều nội dung của dự thảo Luật cần được cân nhắc và phải có báo cáo đánh giá tác động kỹ lưỡng như việc đưa thêm chủ thể là hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp. Bởi pháp lý cho một chủ thể ở nhiều tàm không nhất thiết phải đưa vào luật mới bảo đảm đầy đủ, một số chủ thể hoạt động theo nghị định quy định rất đầy đủ, chi tiết và quá trình tổ chức thực hiện tốt. Hơn nữa, phải như một doanh nghiệp thì mới chịu quy chế pháp lý như doanh nghiệp, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật liệu có làm đảo lộn toàn bộ pháp lý của doanh nghiệp không? Ngoài ra, khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật cũng có sự thay đổi, lại liên quan đến cả Luật Quản lý thuế, Luật Kiểm toán nhà nước, nhóm luật về kinh tế như Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, …Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải có rà soát kỹ và có bản đánh giá riêng vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải rà soát và đánh giá tác động kỹ nhiều nội dung của dự thảo Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì đề nghị cân nhắc và rà soát kỹ các điều khoản dự kiến bãi bỏ như bãi bỏ Điều 27 về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh để chuyển sang đăng ký kinh doanh bằng hình thức điện tử; vấn đề kiểm soát; bãi bỏ con dấu… cần đánh giá kỹ để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo tính pháp lý và đảm bảo sự quản lý hợp lý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát để cụ thể hoá các vấn đề trong luật, hạn chế những vấn đề giao cho Chính phủ quy định. Những vấn đề đã rõ, đã thi hành ở các nghị định tốt và đi vào cuộc sống nên cụ thể hoá và đánh giá sâu về tác động cũng như tính khả thi của luật trên tất cả các góc độ. Cân nhắc việc điều chỉnh đối với hộ kinh doanh. Về khái niệm và phạm vi của doanh nghiệp nhà nước cần bám sát vào Nghị quyết trung ương 5, tính toán kỹ để tránh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp không phải công ty đại chúng thì cần được quy định tại luật này và đảm bảo sự liên thông với Luật Chứng khoán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh dự án Luật cũng như toàn bộ hồ sơ, Ủy ban Kinh tế thì hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh