• Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

    10/02/2020

    Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, sáng ngày 10/02, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Cần tiếp tục hoàn hiện hồ sơ dự án Luật

    Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, trong đó cơ bản là để khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC); đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách được xác định trong một số văn kiện của Đảng; bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

    Toàn cảnh phiên họp

    Về hồ sơ và tài liệu trong hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật được gửi đúng thời hạn và cơ bản đầy đủ các loại tài liệu theo quy định (còn thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật). Tuy nhiên, nội dung của các tài liệu trong hồ sơ còn khá sơ sài. Tờ trình và tài liệu trong hồ sơ chưa phân tích, làm rõ được lý do, căn cứ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của dự thảo Luật; nhiều nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật nhưng không phải là vấn đề bất cập được xác định trong Báo cáo tổng kết, cũng không được đánh giá tác động cụ thể; ngược lại, nhiều nội dung được xác định trong Báo cáo tổng kết là có vướng mắc, bất cập nhưng không được sửa đổi, bổ sung, chưa phù hợp với mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật. Báo cáo đánh giá tác động đã đánh giá tác động chung của 03 nhóm chính sách mà chưa đánh giá tác động của từng chính sách cụ thể dẫn đến việc đánh giá, phân tích lý do lựa chọn giải pháp còn chung chung, chưa chi tiết, toàn diện, một số đánh giá còn thiếu định lượng, có đề xuất lựa chọn giải pháp còn chưa thực sự thuyết phục; một số nội dung trong các tài liệu của hồ sơ còn mâu thuẫn.

    Do đó, để đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng bổ sung làm rõ thực trạng các bất cập, vướng mắc, căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung của dự thảo Luật và đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách của dự thảo Luật; đồng thời bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

    Về nội dung của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật như: việc bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, sửa đổi tên một số lĩnh vực; sửa đổi tên chức danh có thẩm quyền xử phạt, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ người do có sự thay đổi tên gọi, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; làm rõ hơn quy định về thẩm quyền xử phạt khi có sự thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ; quy định rõ hơn về giao quyền xử phạt, lập biên bản, một số thời hạn mà Luật XLVPHC quy định chưa rõ ràng; sửa đổi, bổ sung quy định về việc tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính để đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn bảo đảm tính chặt chẽ...

    Đề nghị nghiên cứu kỹ hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực

    Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, so với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực và sửa đổi tên 07 lĩnh vực.

    Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

    Về việc bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 06 lĩnh vực và sửa đổi tên của 07 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ phạm vi của 02 lĩnh vực mới được bổ sung là in và cứu nạn, cứu hộ để không chồng chéo với các lĩnh vực khác; bỏ lĩnh vực quản lý và bảo tồn nguồn gen và phân bón vì đã thuộc lĩnh vực trồng trọt theo quy định của Luật Trồng trọt.

    Làm rõ căn cứ bổ sung chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

    Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc sửa đổi tên chức danh có thẩm quyền xử phạt để bảo đảm phù hợp với tên cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước hiện nay.

    Đối với việc bổ sung các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt VPHC, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ căn cứ, sự cần thiết bổ sung đối với từng chức danh. Đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt VPHC của Kiểm toán nhà nước, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước để bảo đảm đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước mới được sửa đổi, bổ sung.

    Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, chức danh có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

    Đề nghị rà soát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính

    Về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật XLVPHC về đối tượng này để bảo đảm tính công bằng, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đồng bộ với Bộ luật Hình sự.

    Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính nhiều lần (trừ hành vi sử dụng trái phép chất ma túy - khoản 3, điểm a, b khoản 4 Điều 90; khoản 4 Điều 92; điểm a, b khoản 1 Điều 94), Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát, chỉnh lý để tránh mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự, trùng lặp giữa các quy định của dự thảo Luật.

    Liên quan đến việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, dự thảo Luật bổ sung một số trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Ủy ban Pháp luật cho rằng tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp trực tiếp hạn chế quyền tự do thân thể của người dân, tuy nhiên Báo cáo tổng kết thi hành Luật và Báo cáo đánh giá tác động không có nội dung này; quy định trường hợp tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc VPHC và để xác định tình trạng nghiện ma túy là chưa thực sự rõ ràng, thiếu chặt chẽ, dễ bị lạm dụng. Do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động sâu sắc hơn và chỉ tạm giữ người trong trường hợp thực sự cần thiết, bảo đảm đúng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp.

    Liên quan đến trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, Ủy ban Pháp Luật, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng nâng cao trách nhiệm trong việc theo dõi thi hành pháp luật về xử lý VPHC để các quy định có liên quan có cơ sở áp dụng.

    Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

    Thu Phương- Trọng Quỳnh