ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

23/03/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 43, sáng ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 1852/BC-UBKT14 ngày 12/3/2020 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự án Luật, kèm theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật. Một số nội dung lớn như: về bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng; thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đã được trình bày cụ thể trong Báo cáo số 1852/BC-UBKT14.

Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã báo cáo một số nội dung sau:

Về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Dự Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan (như Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư). Đồng thời sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể tại dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng…; sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật khác tại Điều khoản thi hành của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban thống nhất với quan điểm giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 như Luật Đầu tư hiện hành trên cơ sở rà soát quy định Danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban thống nhất với ý kiến không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 dự thảo Luật. Qua ý kiến đóng góp của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Điều 27 dự thảo Luật theo hướng quy định rõ: Trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với lựa chọn nhà đầu tư (nếu dự án thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai); chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư nếu dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì dự án thuộc danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời các dự án này cũng không phải đấu giá quyền sử dụng đất vì theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì đây là các dự án không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, ngoài những vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã thống nhất cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung khác tại dự thảo Luật.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Qua thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng để hạn chế tiêu cực phát sinh cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này; hoặc có thể xem xét thay tên “dịch vụ đòi nợ thuê” thành tên gọi “dịch vụ xử lý nợ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị cần xem xét lại mối quan hệ giữa Luật này với các Luật liên quan về thuế, vì luật này có đề cập nhiều vấn đề liên quan đến ưu đãi thuế; xem xét lại mối quan hệ giữa Luật này với Luật Doanh nghiệp về các vấn đề nhà đầu tư, vốn đầu tư. Đối với một số chính sách liên quan tới các dự án lớn thì không chỉ quy định về mức vốn mà cần phải quy định về việc ứng dụng khoa học công nghệ; bảo đảm công tác bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình quan tâm đến các vấn đề tự do và bình đẳng trong kinh doanh, cải cách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tổ chức kinh tế, kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Riêng một số nội dung có liên quan đến lĩnh vực Ủy ban phụ trách, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét đối với vấn đề: đầu tư vào văn hóa có yếu tố nước ngoài; các khu vui chơi lớn, cá độ thể thao; làm rõ rằng đây được coi là kinh doanh đặc thù hay kinh doanh bình thường.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá dự án Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc để xử lý phù hợp các xung đột giữa Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh