CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

23/03/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 43, sáng ngày 23/03, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 1850/BC-UBKT14 ngày 10/3/2020 về một số vấn đề lớn của dự án Luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kèm theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật. Một số nội dung lớn như quyền của cổ đông phổ thông; chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng; thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp đã được trình bày cụ thể trong Báo cáo số 1850/BC-UBKT14.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Tại phiên họp này, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn của dự án Luật. Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa của dự thảo Luật).

Về vấn đề này, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để có một chương quy định đầy đủ về hộ kinh doanh.


 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tại Báo cáo số 73/BC-CP, Chính phủ cho rằng nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật không phải là nội dung mới. Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014 đã có 01 khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật lần này chỉ là bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Loại ý kiến thứ 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì: Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, không thể quy định bằng Nghị định; Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Việc quy định hộ kinh doanh vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Các nội dung từ Chương 1 đến Chương 8 của dự thảo Luật mới quy định đối với loại hình doanh nghiệp mà quy định cho hộ kinh doanh; Số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã.

Với 2 loại ý kiến trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ 2.

Cần làm rõ 4 nội dung về doanh nghiệp nhà nước

Về doanh nghiệp nhà nước (Điều 87a của dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 12); cần nghiên cứu thận trọng, có quy định phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc quy định Doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12. Việc quy định tỷ lệ như dự thảo Luật quay trở lại quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây. Tại Báo cáo số 73/BC-CP, Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu nội dung đã trình.


Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ thêm một số nội dung sau:

Một là, quy định trên tác động thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Việc sửa đổi khái niệm về DNNN cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về Doanh nghiệp nhà nước và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Hai là, cần đánh giá tác động toàn diện về cơ chế chính sách, quản trị doanh nghiệp... của quy định trên đối với hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ba là, việc quy định như dự thảo Luật nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trên 50% đến dưới 100% có thể tác động thế nào đến tâm lý của các cổ đông khác là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư tiềm năng, ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa và môi trường đầu tư kinh doanh.

Bốn là, đánh giá sự phù hợp giữa dự thảo Luật với nội hàm của yếu tố "chi phối" như yêu cầu của Nghị quyết số 12. Quy định của dự thảo Luật phải bảo đảm DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước có thể chi phối các vấn đề của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước thấp nhất là 75% thì có quyền chi phối trong mọi quyết định về quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần. Do đó, đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là DNNN là phù hợp. Đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối như yêu cầu của Nghị quyết số 12.

Có ý kiến đề nghị cần báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về nội dung này, để bảo đảm đánh giá đầy đủ các tác động đối với doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước.

Còn ý kiến khác nhau về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Đối với việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí với đề nghị của Chính phủ trong dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 73/BC-CP của Chính phủ, theo đó Điều 127 quy định về việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp này nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên thị trường, phù hợp với chủ trương về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối tượng chào bán trái phiếu riêng lẻ chỉ là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, về cơ bản sẽ không gây ra rủi ro cho người mua vì nhà đầu tư chuyên nghiệp là người có chuyên môn, năng lực phân tích trong việc mua trái phiếu. Việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sẽ thực hiện theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Loại ý kiến thứ 2: Đề nghị không quy định nội dung chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào dự thảo Luật này. Quy định này có thể góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thêm kênh huy động vốn trên thị trường; tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; việc cho phép chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp này trong khi điều kiện chào bán chưa chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường tài chính, tạo kẽ hở cho việc huy động vốn thông qua việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Mặt khác, hiện nay, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Đồng thời, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng văn bản hướng dẫn đã quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong đó đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này.

Đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ nhất nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung các quy định về trình tự thủ tục, điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để tránh tình trạng lợi dụng, gây mất an toàn hệ thống.

Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều nội dung cụ thể khác và chỉnh lý kỹ thuật văn bản dự thảo Luật./.

Bích Lan - Hoàng Quỳnh