ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÁC VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PPP

24/03/2020

Chiều ngày 24/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tóm tắt một số vấn đề lớn của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về áp dụng luật và điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nội dung tại khoản 2 Điều 3 “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác… thì thực hiện theo quy định của Luật này”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm rõ, dự thảo Luật đã giới hạn phạm vi rất hẹp, mang tính đặc thù về “trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP” nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tóm tắt một số vấn đề lớn của dự án Luật

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình với quy định tại khoản 2 Điều 3 vì cho rằng quy định này vẫn chưa giải quyết được vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện dự án PPP. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát để chỉ rõ những quy định mang tính chất đặc thù, cho phép áp dụng quy định khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư PPP ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 19), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay: Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất 2 phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, Phương án 1 sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP tại khoản 1 Điều 19, trong đó có trường hợp tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên. Dự thảo Luật cũng quy định phải điều chỉnh chủ trương đầu tư khi tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Phương án 2, khi tổng mức đầu tư dự án PPP tăng so với tổng mức đầu tư đã được quyết định tại bước chủ trương đầu tư dự án thì phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Thường trực Ủy ban Kinh tế dự kiến tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn, cụ thể: Trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.  Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật kiểm toán Nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.

Bên cạnh các nội dung trên, thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra nhiều vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, sự thống nhất của Luật này với hệ thống pháp luật còn nhiều điểm lưu ý bởi khi đưa ra cơ chế đặc thù nhưng bảo đảm trong tổng thể chung, không thể đặc thù quá mà dẫn tới hệ lụy chưa lường trước.

Đối với lĩnh vực đầu tư, dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý thu hẹp các lĩnh vực đầu tư PPP so với dự thảo Chính phủ trình nhưng vẫn rộng, nhiều những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể thực hiện được thì lại do ngân sách tham gia như nhà máy điện, truyền tải tiện hay liên quan đến lĩnh vực dịch vụ công, công trình trụ sở cơ quan nhà nước…nên đề nghị cân nhắc thêm. Bên cạnh đó, nội dung về quy mô dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực tiễn có những vấn đề phát sinh nên cần tính toán để quy định lựa chọn nhà đầu tư cho phù hợp nhất là những dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh, đồng thời làm rõ cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro, sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Nêu rõ mục tiêu xây dựng Luật là nhằm thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp tham gia đầu tư trong các lĩnh vực khó thu hút đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo Luật lần này chưa thực sự tạo sức hút với doanh nghiệp và lo ngại mục tiêu xây dựng luật không đạt được khi quy định quá nhiều ràng buộc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định về giám sát cộng động có bảo đảm tính khả thi từ trình tự, thủ tục, hồ sơ…có vượt quá năng lực thực tế. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần lấy thêm ý kiến của đối tượng tác động của Luật là các doanh nghiệp đối với dự án Luật này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nhiều vấn đề quan trọng của dự án Luật cần được thảo luận làm rõ và đi đến đồng thuận như: thẩm quyền quyết định đầu tư, quy mô dự án, báo cáo khả thi PPP, cơ chế chia sẻ rủi ro trong trường hợp tăng thu, nguyên tắc quản lý đầu tư PPP, thủ tục đầu tư và hội đồng thẩm định, tư cách hợp lệ của nhà đầu tư – trường hợp với tổ chức quy định như thế nào và cá nhân quy định như thế nào. Cùng với đó là phân loại hợp đồng gắn với phương thức, khả năng năng lực những người tham gia dự án, quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay, vấn đề sở hữu, giám sát cộng đồng…là những vấn đề lớn cần xin chủ trương để có hướng quy định phù hợp.

Nhấn mạnh cần hết sức thận trọng trước khi xem xét thông qua dự án Luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các nội dung của dự án Luật cần được giải trình làm rõ thêm từ các ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến góp ý của Hội đồng Dân tộc các Ủy ban; tiếp tục đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần nữa trước khi trình Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ đây là luật khó phức tạp. Mặc dù đã có tiền lệ thực hiện nhiều dự án nhưng quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, khó khăn. Do đó đưa từ thực tiễn cuộc sống vào pháp luật là vấn đề cần thận trọng.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; cần tiếp tục rà soát các lĩnh vực đầu tư PPP,  làm rõ chính sách nhà nước đối với dự án PPP, rà soát lại quy định cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư cho hợp lý. Cân nhắc quy định về giám sát cộng đồng để tránh tạo ra thủ tục hành chính không cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước nhưng cần cân nhắc tham gia ở thời điểm nào, giai đoạn nào, đồng thời lưu ý trật tự ưu tiên áp dụng luật cũng như các điều khoản chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình các ý kiến, chuẩn bị tốt các báo cáo để đưa ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác