THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG TRÌNH BÀY TỜ TRÌNH VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

25/03/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 43, sáng ngày 25/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết: Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG), gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG). Biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, gồm: 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã biên giới với 435 xã, phường, thị trấn. Có 203 cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng; trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ, 34 cửa khẩu cảng, 02 cảng nội địa, 282 bến cảng, 14 cảng dầu khí ngoài khơi.

Tuyến biển, đảo với 28 tỉnh, thành phố ven biển (136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với 675 xã, phường, thị trấn KVBG biển); có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển. Vùng biển Việt Nam rộng trên 01 triệu km2 (vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37%). Dân cư khu vực biên giới khoảng 2,3 triệu hộ/9,5 triệu khẩu, gồm 51 dân tộc, 06 tôn giáo khác nhau (nhân dân KVBG đất liền chủ yếu là dân tộc thiểu số, có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời hai bên biên giới)...

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phan Văn Giang, đến nay, Việt Nam đã hoạch định, ký kết các hiệp định về biên giới, cửa khẩu với các nước có chung đường biên giới, cụ thể: Đường biên giới trên đất liền và trên biển, Việt Nam và các nước có chung biên giới hiện nay đã cơ bản được xác định: Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Về biên giới trên biển: Thực hiện Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, ngày 12/11/1982, Chính phủ Cộng hoà XHCN Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; theo đó đã xác định tọa độ 11 điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.

Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai... Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống là khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP).


Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó lực lượng BĐBP nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, BGQG, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Thứ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết và xuất phát từ những vấn đề sau:

Thứ nhất, Từ năm 2013 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản với chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ BGQG chưa được thể chế hóa như “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 với quan điểm, mục tiêu xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG…; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”; đồng thời xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, trong đó xác định “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.

Thứ hai, Luật BGQG năm 2003 quy định có tính nguyên tắc về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG như mới khái quát trách nhiệm của Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng chiến lược và lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chính sách chung về xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới; bố trí dân cư ở KVBG; quy định chung về xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, “Ngày biên phòng toàn dân” và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG. Một số nội dung quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa, mới quy định có tính nguyên tắc về chủ trương, nguyên tắc, nội dung.

Hiện nay, hoạt động trên biên giới, KVBG, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương như chính quyền địa phương, Công an, BĐBP, Cảnh sát biển, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường… tham gia vào xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này đang được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành nên dẫn đến những khó khăn, vướng mắc bất cập trong thi hành trên thực tế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Nhà nước đã đầu tư vào các chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong đó có KVBG đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư của nhà nước, địa phương vẫn còn dàn trải, hiệu quả chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG, KVBG vững mạnh.

Thứ ba, Pháp lệnh BĐBP mới điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP (vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG), chưa đề cập đến các chủ thể khác như chính quyền địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, lực lượng vũ trang nhân dân, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường… với tư cách là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.

Do Pháp lệnh ban hành từ năm 1997 nên một số quy định của Pháp lệnh liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng thời, hình thức, bố cục của Pháp lệnh chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không phù hợp với thuật ngữ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan và nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của BĐBP như: Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở KVBG; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh; phòng, chống khủng bố, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời Việt Nam. Các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nêu trên chưa được quy định trong Pháp lệnh.

Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đều thống nhất kiến nghị, đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG và xây dựng BĐBP đảm bảo thống nhất với Hiến pháp, văn bản pháp luật liên quan, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đồng thời khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG, sớm báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Thứ tư, Thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở KVBG. Tuy nhiên, hiện nay chưa được quy định trong Luật BGQG, Pháp lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật liên quan, chưa có cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và BĐBP trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, đề nghị xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh mở rộng hơn so với Pháp lệnh trình Quốc hội xem xét thông qua là cần thiết, phù hợp với yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG trong tình hình mới./.

Bích Lan

Các bài viết khác