• Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG TIẾP THU, GIẢI TRÌNH, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

    20/04/2020

    Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, sáng ngày 20/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo về Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

    Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự án Luật.


    Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo về Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

    Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết: Góp ý vào Dự án Luật, một số ý kiến cho rằng, thanh niên là công dân Việt Nam nên Luật Thanh niên cần khẳng định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Một số ý kiến đề nghị không nên quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của thanh niên vì các quyền và nghĩa vụ này đã được quy định tại luật chuyên ngành điều chỉnh từng lĩnh vực (giáo dục, lao động, việc làm…), thay vào đó nên quy định về trách nhiệm của thanh niên. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc quy định quá nhiều quyền, ít nghĩa vụ sẽ dẫn đến việc coi thanh niên là đối tượng yếu thế cần bảo vệ chứ không phải là tạo điều kiện, môi trường để thanh niên phát huy và cống hiến.

    Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự án Luật Thanh niên đã được chỉnh lý theo hướng: Không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực mà chỉ dành 01 điều tại phần “Những quy định chung” quy định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

    Thay bằng việc quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể, Dự án quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm. Việc thiết kế các quy định theo định hướng như trên một mặt tránh được sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật khác; đảm bảo tính khả thi của điều luật; mặt khác thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

    Dự án Luật dành cả Chương II quy định cụ thể trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, với gia đình, xã hội và đối với chính bản thân thanh niên. Đây là các trách nhiệm đặc thù của thanh niên. Bằng cách thiết kế này, Dự án vừa thể chế hoá được nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, vừa giúp từng cá nhân thanh niên thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, từ đó tạo động lực tự thân để phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng thanh niên trong thời đại mới.

    Không bỏ nhóm thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương lại phía sau

    Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, một số ý kiến cho rằng, các chính sách quy định trong dự án Luật còn chung chung, thiếu tính đặc thù, chưa sát với thực tế, không mang tính quy phạm, chưa tạo động lực cho thanh niên.

    Một số ý kiến khác nhận định, các quy định về chính sách đối với thanh niên trong Dự thảo trùng lắp với các chính sách đã được các luật chuyên ngành quy định. Do vậy, cần nhóm các chính sách tương ứng với mục tiêu của Nhà nước đối với thanh niên như nhóm chính sách phát triển thanh niên, nhóm chính sách bảo vệ thanh niên, nhóm chính sách phúc lợi xã hội cho thanh niên hoặc nhóm chính sách khơi dậy tinh thần tình nguyện, cống hiến của thanh niên.


    Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Một số ý kiến khác đề xuất các chính sách cụ thể cho các đối tượng thanh niên đặc thù như: chính sách tín dụng sinh viên; chính sách học bổng khuyến khích phát triển tài năng; chính sách vay vốn khởi nghiệp sáng tạo; chính sách cho lao động trẻ là công nhân; chính sách chiến sĩ trẻ dũng cảm; chính sách ưu đãi cho những sĩ quan, quân nhân thanh niên công tác tại địa bàn và công việc đặc thù, công nghệ cao hay độc hại.

    Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban đã làm việc với với các cơ quan có liên quan thống nhất chỉnh lý, bổ sung dự án Luật theo hướng: Không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành; dành hẳn một chương gồm 14 điều với nội dung quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc. Những quy định này thể hiện cam kết pháp lý của Nhà nước trong việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

    Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thanh niên 2005, căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù trong Dự án được xây dựng bao gồm chính sách dành cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên làm việc tại khu công nghiệp; thanh niên khuyết tật; thanh niên nhiễm HIV, thanh niên sau cai nghiện ma túy, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Các nhóm chính sách này được thiết kế theo hướng nhấn mạnh chính sách phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng nhóm thanh niên tinh hoa; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, bảo đảm chế độ, chính sách cho nhóm thanh niên xung kích đồng thời không bỏ nhóm thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương ở lại phía sau.

    Việc quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên như Dự án một mặt giúp thanh niên nhận thức và tin tưởng Nhà nước luôn cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, họ tiếp cận trách nhiệm với tâm thế đảm nhận trọng trách chứ không phải là gánh nặng. Mặt khác, các nhóm thanh niên đặc thù cũng nhận thức được sự quan tâm thoả đáng của Nhà nước đối với họ.

    Thêm vào đó, với mục đích thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước dự án Luật còn quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 5) trong đó xác định rõ các yêu cầu cơ bản như: bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; bảo đảm quyền tham gia của thanh niên trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách của Nhà nước…

    Đối với "Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam", một số đại biểu nhất trí quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam  như quy định của Luật Thanh niên hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật vì Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

    Có ý kiến đề nghị nâng tầm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và giao thêm một số chức năng quản lý nhà nước về thanh niên cho Ủy ban. Có ý kiến đề nghị nâng cấp Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam thành Bộ Thanh niên thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Một số ý kiến khác lại cho rằng trong tình hình hiện nay, việc thành lập thêm Bộ mới là khó khả khi; đồng thời theo quy định của pháp luật hiện hành thì chức năng quản lý nhà nước về thanh niên đã được giao cho Bộ Nội vụ, một việc giao cho hai cơ quan thực hiện là trái với tinh thần của Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một số ý kiến đề nghị quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành.

    Về vấn đề trên, do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban đã tổ chức các buổi làm việc với đại diện các bên có liên quan như như Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, một số đại biểu Quốc hội nguyên là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách; đồng thời có Công văn đề nghị Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này để làm cơ sở cho việc việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

    Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các cơ quan có liên quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam như sau: Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định. 

    Thường trực Ủy ban nhận thấy, quy định của dự án Luật về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là phù hợp vì những lý do: Kế thừa quy định của Luật Thanh niên hiện hành; thể hiện đúng bản chất hoạt động của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ; Bảo đảm thế chế hóa và phù hợp với các căn cứ chính trị pháp lý có liên quan: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cườg sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và quy định của pháp luật hiện hành. Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy định về tổ chức phối hợp liên ngành trong Luật hiện hành về đối tượng như Luật Trẻ em số 102/2016/QH13./.

    Bích Lan - Hoàng Quỳnh

    Các bài viết khác