HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ ÁN LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

20/04/2020

Sáng ngày 20/4 tại nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết: Góp ý vào Dự án Luật, một số ý kiến cho rằng, thanh niên là công dân Việt Nam nên Luật Thanh niên cần khẳng định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Một số ý kiến đề nghị không nên quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của thanh niên vì các quyền và nghĩa vụ này đã được quy định tại luật chuyên ngành điều chỉnh từng lĩnh vực (giáo dục, lao động, việc làm…), thay vào đó nên quy định về trách nhiệm của thanh niên. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc quy định quá nhiều quyền, ít nghĩa vụ sẽ dẫn đến việc coi thanh niên là đối tượng yếu thế cần bảo vệ chứ không phải là tạo điều kiện, môi trường để thanh niên phát huy và cống hiến...

Cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến và tổng thể dự án Luật “như một luật mới” so với Luật Thanh niên hiện hành, song một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chính sách của Nhà nước với thanh niên được thiết kế gồm chính sách đối với ngành nghề lĩnh vực và chính sách với nhóm đối tượng là phù hợp. Tuy nhiên, các chính sách được thể hiện trong dự thảo còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và cam kết như “ưu tiên”, “khuyến khích”, “tạo điều kiện bảo đảm”… Băn khoăn về việc sau khi Luật lần này được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì những chính sách như vậy sẽ được thực hiện như thế nào, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, từ việc rút kinh nghiệm thi hành Luật Thanh niên hiện hành, cần bổ sung và quy định cụ thể hơn nữa các chính sách cho thanh niên, bảo đảm khi Luật có hiệu lực các chính sách sẽ đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho thanh niên phát huy tối đa vai trò của mình...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên làm việc

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Dự án Luật gồm 7 chương, 44 điều gồm những nội dung chính: Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu góp ý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định: Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) đã nêu bật được vai trò chủ động của thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng đã cụ thể nhưng một số điều còn chưa cân đối giữa các chương nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Góp ý vào Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự phối hợp của cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật vì đã nêu được những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau đối với thanh niên...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Chính sách cho thanh niên bị nhiễm HIV, thanh niên là người khuyết tật nên được nghiên cứu để đưa vào các luật khác, chứ không nhất thiết đưa vào Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Giải trình rõ hơn về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi),Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu về chính sách đối với thanh niên có tài năng. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Tư pháp rà soát các đối tượng được hưởng chính sách; giao cho Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành bổ sung, chỉnh sửa để đưa Dự án Luật ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong khẳng định Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ cùng với Bộ Nội vụ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp thu và làm rõ hơn những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trước khi đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp tới.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự quan tâm góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của các thành viên Ủy ban và cần nghiên cứu, giải trình thêm một số vấn đề về tuổi thanh niên; các chính sách để phát huy sức mạnh của thanh niên; mô hình Nhà nước về quản lý thanh niên. Các nội dung về thanh niên trong phòng, chống thiên tai dịch bệnh, phòng chóng HIV, thanh niên là nhóm yếu thế cần được nghiên cứu kỹ hơn, thanh niên là cán bộ đang công tác, làm việc ở nước ngoài.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác