Ý KIẾN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

21/04/2020

Tại phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tính đến ngày 16/4/2020, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhận được 37 văn bản góp ý của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Đa số ý kiến thống nhất quan điểm tiếp cận xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện cụ thể để thanh niên phát triển toàn diện. Thống nhất với kết cấu của dự thảo Luật. Đồng thời xây dựng chính sách thanh niên theo các lĩnh vực, quy định mang tính chất “khung” để khi thực thi thì căn cứ các vấn đề đặt ra của thanh niên và điều kiện thực tế để cụ thể hoá.

Có ý kiến cho rằng, xét về yêu cầu và sự cần thiết phải sửa đổi luật thì chưa thấy rõ. Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định nhiều điều hơn nhưng chưa thấy có gì mới về nội dung cần sửa đổi so với luật hiện hành, các quy định trong dự thảo còn mang tính khẩu hiệu, hô hào.

Độ tuổi của thanh niên được đề xuất tăng đến 35 tuổi

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, quy định về thanh niên (Điều 1) của Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cho thấy, đa số ý kiến thống nhất quy định Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Có ý kiến đề nghị quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi cho đến 32 tuổi hoặc 35 tuổi để phù hợp với thực tiễn, trong điều kiện tuổi thọ và tuổi lao động của người Việt Nam được tăng lên.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định có 01 năm giao thoa giữa trẻ em và thanh niên nhằm đảm bảo tập trung thực hiện có hiệu quả một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng,... cho lực lượng này có đủ sự thích ứng về mọi mặt của đời sống xã hội khi bước vào tuổi thanh niên.


Toàn cảnh Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 4), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "hùng hậu" tại khoản 1. Có ý kiến đề nghị sửa lại: “Thanh niên là lực lượng xã hội có vai trò quan trọng quyết định hiện tại, tương lai vận mệnh của đất nước, là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về quyền và nghĩa vụ để tương xứng với nội dung về trách nhiệm của thanh niên. Bổ sung các quyền, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động sáng tạo; hoạt động báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng,…phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa phân biệt giữa trách nhiệm của thanh niên với quyền, nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, đề nghị loại bỏ những quy định thuộc về nghĩa vụ công dân phải thực hiện, cao hơn là trách nhiệm quy định đối với thanh niên. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được những quyền đặc thù đối với thanh niên để phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Do đó, đề nghị bổ sung thêm một số quy định khung về quyền đặc thù của thanh niên, bảo đảm tránh sự chồng chéo, trùng lắp với các Luật chuyên ngành khác.

Về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 5), có ý kiến đề nghị bổ sung: Không phân biệt dân tộc, giới tính, địa vị, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, không phân biệt chủng tộc màu da, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; động viên khuyến khích chăm lo cho đời sống của thanh niên và được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.”

Về Tháng Thanh niên (Điều 9), có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “sáng tạo” sau từ “tình nguyện” nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong các phong trào hoạt động tại khoản 1. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức "Tháng Thanh niên"; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ là đơn vị giữ vai trò nòng cốt, là cơ quan thường trực trong việc phối hợp tham mưu cho Chính phủ và chính quyền địa phương tổ chức chương trình này. Vì nếu quy định Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp chỉ có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên sẽ thiếu tính khả thi, hiệu quả không cao, nguồn lực để tổ chức thực hiện khó khăn,...

Về đối thoại với thanh niên (Điều 10), có ý kiến đề nghị việc đối thoại được quy định tiến hành định kỳ hàng năm. Không chỉ khi theo yêu cầu của tổ chức thanh niên. Tránh việc thoái thác trách nhiệm của mình với lý do "tổ chức thanh niên không yêu cầu".

Có ý kiến đề nghị trong các chủ thể tổ chức đối thoại quy định rõ hơn về chủ thể "tổ chức" phải bao gồm các "doanh nghiệp". Có ý kiến đề nghị quy định cơ quan chính quyền cấp nào có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ở cấp đó. Một số ý kiến đề nghị quy định chủ thể đối thoại, hướng dẫn cụ thể trong việc tổ chức đối thoại với thanh niên. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về số lần đối thoại trong năm theo hướng tăng lên và thực hiện bằng nhiều hình  thức khác nhau để dễ dàng tiếp cận. Có ý kiến đề nghị diễn đạt lại như sau: “Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên.”

Có ý kiến đề nghị không nên niêm yết tại tất cả trụ sở của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mà chỉ nên niêm yết tại các cơ quan, đơn vị “nơi có tổ chức thanh niên” để thanh niên biết được kết quả và kết luận sau đối thoại. Có ý kiến đề nghị viết lại khoản 2 và khoản 3 của Dự án Luật: “Người chịu trách nhiệm đối thoại với thanh niên quy định tại khoản 1 Điều này chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại, kết luận nội dung sau khi tổ chức đối thoại. Thời gian, nội dung chương trình chuẩn bị đối thoại thông báo đến thanh niên chậm nhất 30 ngày trước khi tổ chức đối thoại. Nội dung kết luận sau khi đối thoại phải được thông báo đến thanh niên trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đối thoại.

Đối với các cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện, phải thông báo trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử. Đối với những người chịu trách nhiệm đối thoại khác phải niêm yết tại trụ sở, hoặc phải thông báo bằng hình thức khác đảm bảo thanh niên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tiếp nhận được thông tin.”.

Về áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 11), có ý kiến đề nghị cân nhắc lại nội dung Điều 11 cho phù hợp hơn, vì quyền trẻ em thì không thể quy định trong Luật Thanh niên và áp dụng đối với thanh niên. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đối chiếu quy định tại Điều 11 của Dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên để bảo đảm hơn nữa tính tương thích của Luật.

Có ý kiến đề nghị có các chính sách cụ thể, đặc thù cho nhóm đối tượng này, đảm bảo phù hợp với các quy định quốc tế và của Việt Nam. Vì dự thảo Luật quy định còn chung, mang tính khẩu hiệu dành cho mọi đối tượng thanh niên nên khó thực hiện cho đối tượng này. Đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, là độ tuổi giao thoa giữa trẻ em và thanh niên, nhóm thanh niên vừa bước qua độ tuổi trẻ em và chuẩn bị trở thành người trưởng thành, đang có sự thay đổi lớn về thể chất, tâm sinh lý, định hình nhân cách, dễ bị tổn thương, do đó, cần có những chính sách chăm sóc, bảo vệ phù hợp.

Đề nghị bổ sung chính sách riêng cho đối tượng thanh niên lực lượng vũ trang

Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên trong Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), đa số ý kiến đồng ý với dự thảo luật không quy định các chính sách cụ thể mà quy định định hướng chính sách thể hiện cam kết pháp lý của Nhà nước tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe, tinh thần, bảo vệ tổ quốc…

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện nội dung quy định về chính sách, theo hướng cần quy định rõ nguồn tài chính mà nhà nước cam kết chi cho công tác phát triển thanh niên. Ngoài phần Nhà nước đảm bảo thì cần tạo điều kiện để xã hội hóa phần còn lại. Có cơ chế cụ thể để đủ nguồn lực phục vụ công tác phát triển thanh niên; đồng thời đảm bảo mối tương quan giữa chính sách được đưa ra và biện pháp bảo đảm thực hiện trong dự thảo Luật. 

Có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách riêng cho đối tượng thanh niên lực lượng vũ trang; thanh niên khi tham gia thực hiện các Chương trình, Dự án lớn của Nhà nước (ví dụ như dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch các xã thuộc huyện nghèo...); nữ thanh niên; thanh niên mắc bệnh hiểm nghèo, thanh niên thuộc hộ nghèo; thanh niên đang ở các Trung tâm bảo trợ xã hội.

Có ý kiến đề nghị, căn cứ vào kết quả rà soát hệ thống pháp luật để xác định những nội dung mà thanh niên được áp dụng theo quy định tại các đạo luật chuyên ngành để bảo đảm không có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định về các chính sách dành cho thanh niên trong các lĩnh vực được quy định trong dự thảo Luật. Trên cơ sở đó thuyết minh rõ tại dự thảo Tờ trình về lý do, mục tiêu lựa chọn, sự khác biệt với các chính sách trong các văn bản pháp luật hiện hành của các chính sách trong dự thảo Luật để cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Có ý kiến cho rằng, dự án Luật đã đưa ra nhiều chính sách đối với thanh niên, song một số chính sách còn chung chung, chưa thật cụ thể, thậm chí có chính sách còn như khẩu hiệu. Vì vậy, dự án Luật cần có những đột phá về chính sách đối với thanh niên, các chính sách này, đề nghị cần phải thật cụ thể và có tính khả thi cao, và khi quy định chính sách, cũng cần thiết phải quy định các nguồn lực để thực hiện.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật dù đưa ra nhiều chính sách, nhưng chỉ có 01 điều duy nhất giao Chính phủ quy định chi tiết, như vậy, còn nhiều chính sách chưa được giao cụ thể, do vậy đề nghị, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong ban hành chính sách (thêm 01 khoản tại Điều 34). Cần có nội dung quy định rõ phạm vi, nội dung dự kiến cụ thể hóa các chính sách giao Chính phủ quy định chi tiết và định hướng các nội dung chính sách có thể tích hợp trong cùng một văn bản tránh việc ban hành quá nhiều văn bản dưới luật.

Có ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung một khoản quy định theo hướng thanh niên trong độ tuổi học sinh, sinh viên được đào tạo về kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội. Có ý kiến cho rằng, các nội dung chính sách quy định còn chung chung. Đề nghị lượng hóa, cụ thể thêm các chính sách đối với thanh niên. Chính sách phải đáp ứng mục tiêu hỗ trợ thanh niên xây dựng, hoàn thiện nhân cách, năng lực trong lập thân, lập nghiệp, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm của thanh niên đối với quốc gia, dân tộc.

Có ý kiến đề nghị lựa chọn các chính sách trọng tâm, trọng điểm mang tính dài hơi không chỉ phù hợp hiện nay mà có giá trị cho 10 năm sau hoặc xa hơn cho thanh niên. Cùng với đó là những vấn đề mới, quan tâm như: đối thoại, tính sáng tạo, bày tỏ quan điểm, tính tự lực, tự cường trong học tập, lao động phát triển.

Về Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (Điều 37), đa số ý kiến chọn phương án 2. Trong đó, có ý kiến đề nghị viết lại: Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Có ý kiến đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và mối quan hệ giữa Ủy ban này với các cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bổ sung quy định để bảo đảm hiệu quả phối hợp liên ngành trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên. Có ý kiến đề nghị quy định rõ từng thành viên của Ủy ban trong Luật. Một số ý kiến chọn phương án 1, quy định như Luật Thanh niên hiện hành. Có ý kiến không chọn phương án nào, đề nghị không quy định trong Luật.

Ngoài những ý kiến cụ thể trên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thời gian có hiệu lực thi hành Luật Thanh niên (sửa đổi) là từ ngày 01/01/2021 để luật sớm có hiệu lực thi hành kịp thời khắc phục các khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành trong thời gian qua. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức, phối hợp thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên, đảm bảo cho việc thực hiện Luật này được khả thi./.

Bích Lan

Các bài viết khác