TRÌNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2021, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2020

21/04/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, sáng ngày 21/4, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về quá trình lập đề nghị của Chính phủ, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp hàng tháng có Công văn đôn đốc các bộ nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để xác định các nội dung về thể chế được giao và chủ động lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đưa vào Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Bộ Tư pháp tổ chức họp với các bộ để nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức làm việc trực tiếp với tổ chức pháp chế, một số đơn vị chuyên môn của các bộ với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội, để đôn đốc và trao đổi, thảo luận việc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Ngày 07/01/2020, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ để trao đổi, thảo luận, thống nhất một số vấn đề đối với đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Tại Phiên họp thường kỳ tháng 01/2020, Chính phủ đã thảo luận và thông qua Đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 được lập theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, 9, 10 và 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện Chương trình, tránh dồn quá nhiều dự án vào Chương trình năm 2020, dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm định, thẩm tra; đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” nhất định để có thể đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình năm 2021 cần tính đến đặc thù là năm 2021 sẽ có 03 Kỳ họp của Quốc hội. Tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV và Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ không dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật mà chủ yếu tập trung đánh giá, tổng kết hoạt động của Quốc hội Khóa XIV và chuẩn bị tổ chức, nhân sự cho Quốc hội khóa XV.

Nội dung đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021Điều chỉnh Chương trình năm 2020

Về nội dung đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021 gồm 08 dự án, cụ thể như sau: Tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 02 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đây là dự án thuộc Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đây là dự án Chính phủ đang đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2020.

Toàn cảnh Phiên họp 

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua gồm 01 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV). Chương trình cho ý kiến, gồm 05 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị đã nêu, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2020 với năm 2021, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo. Cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình 08 dự án, dự thảo, trong đó có 02/08 dự án, dự thảo đã được Chính phủ đề nghị bổ sung theo Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 14/02/2020; 06/08 dự án được bổ sung theo Tờ trình này. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với 03 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đưa ra khỏi Chương trình 01 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24 dự án, tăng 07 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết một số thông tin về các dự án đã rút ra khỏi Chương trình giai đoạn 2016 – 2019; Các dự án luật, pháp lệnh cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và triển khai thi hành Hiến pháp; Các dự án luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đang tiến hành việc rà soát, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Qua kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, về cơ bản, pháp luật của Việt Nam đã đảm bảo phù hợp với quy định của Hiệp định liên quan đến xử lý hành vi nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan trong phạm vi hành vi phân phối, xử lý trách nhiệm của pháp nhân. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 để thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình./.

Hồ Hương -Trọng Quỳnh

Các bài viết khác