HÌNH ẢNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

21/04/2020

Chiều ngày 21/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cho thấy bên cạnh 07 nhóm chính sách đã được đề xuất còn 06 nhóm chính sách khác cũng cần được bổ sung để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra trong quá trình hội nhập, qua đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh tên của dự án Luật là dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thay thế dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời lưu ý đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật do dự án luật này liên quan đến nhiều luật, nhiều nội dung quản lý.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc. 

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/6/2014 tại Kỳ họp thứ 7 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời lưu ý đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật do dự án luật này liên quan đến nhiều luật, nhiều nội dung quản lý.

Nhấn mạnh đây là một dự án luật quan trọng, có tính thời sự và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là những vấn đề mới mà Luật hiện hành chưa thể hiện được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án luật này tích hợp nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quy hoạch, Luật Thuế bảo vệ môi trường… nên cần bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất của hệ thống luật. Do đó, từ này đến khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp, cơ quan soạn thảo cần lưu ý rà soát để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng sửa đổi toàn diện Luật này cần đặt ra yêu cầu tạo nhận thức của xã hội trong toàn bộ hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành chứ không chỉ về quản lý nhà nước. Cùng với đó, đặt quan điểm bảo vệ môi trường thì cân nhắc giữa làm môi trường với phát triển kinh tế.

Nhất trí sự cần thiết sửa đổi luật và khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật này phải giải quyết được những bất cập, đưa vào những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, bảo đảm tính khả thi, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhưng những quy định tiêu chuẩn môi trường không làm cản trở phát triển kinh tế.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một luật rất khó, rất rộng, tác động rất lớn đến nhiều vấn đề nên phải tính toán đến tính cụ thể, tính khả thi và bảo đảm khi luật ra đời sẽ khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế từ trước đến nay về công tác bảo vệ môi trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải tiếp tục rà soát để đảm bảo dự án luật này thống nhất với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi, tiếp tục đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, tiếp tục phải rà soát các khái niệm, giải thích từ ngữ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự án luật này và giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác