TRÌNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

22/04/2020

Sáng ngày 22/4, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Pháp lệnh 2007) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/4/2007 đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 cũng cho thấy có một số bất cập do có những vấn đề phát sinh hoặc do thay đổi quy định pháp luật có liên quan, đặt ra yêu cầu hoàn thiện quy định về thỏa thuận quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, việc xây dựng Luật thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không là Điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Về quan điểm chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nêu rõ, nội dung của Luật quy định về công tác thỏa thuận quốc tế phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, đặc biệt là Chỉ thị 04-CT/TW năm 2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khoá XI và Kết luận số 33-KL/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khoá XII, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030… Đồng thời, phải bảo đảm không mở rộng bộ máy, tăng biên chế theo chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phải kế thừa và phát huy các quy định còn giá trị của Pháp lệnh 2007 và Quyết định số 36; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thời gian qua, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Phải tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh Quốc hội, Nhà nước, nhân dân giữa nước ta và các nước, tổ chức quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực ở bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trong giai đoạn mới hội nhập sâu rộng.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Luật, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật, cần tham khảo rộng rãi, thực chất ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học; Phải đảm bảo quy phạm hoá 04 chính sách đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua tại giai đoạn Đề nghị xây dựng Luật,

Toàn cảnh Phiên họp

Về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Dự án Luật đã quy phạm hóa 04 chính sách đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua tại giai đoạn Đề nghị xây dựng Luật, cụ thể:

Về phạm vi điều chỉnh, so với Pháp lệnh 2007, phạm vi điều chỉnh mở rộng thêm quy định về việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp huyện, xã; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, Chương II của Dự luật bao gồm 10 mục, 25 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, hồ sơ lấy ý kiến và hồ sơ trình về đề xuất ký kết, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc cho ý kiến đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế và việc ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao.

Về trình tự, thủ tục rút gọn, Chương IV của Dự luật bao gồm 03 điều quy định về các trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn trong việc ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế và trình tự, thủ tục thực hiện. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với Pháp lệnh 2007, được xây dựng trên cơ sở vận dụng các quy định của Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg điều chỉnh phù hợp với các loại thỏa thuận quốc tế được quy định tại Luật này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức chủ động, tích cực thực hiện hội nhập quốc tế theo đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế dưới một số điều kiện nhất định và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức, Chương VI của Dự luật gồm 08 điều, quy định về trách nhiệm của các cơ quan: Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức, cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xử lý vi phạm. Luật kế thừa quy định của Pháp lệnh 2007 tại các nội dung này, trừ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quy định mới.

Ngoài Tờ trình, Hồ sơ Dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ tại Phiên họp thứ 44 bao gồm: Dự thảo Luật; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; Bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Luật; Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính; Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh 2007; Báo cáo tổng kết thi hành Quyết định 36; Báo cáo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 74/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác Điều ước quốc tế và Thỏa thuận quốc tế; Báo cáo thẩm định dự án Luật Thỏa thuận quốc tế số 31/BCTĐ-BTP ngày 26/02/2020 của Bộ Tư pháp; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp của Bộ Ngoại giao số 652/BC-BNG-LPQT ngày 27/02/2020./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh