BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH BÀY TỜ TRÌNH VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MIỄN THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

28/04/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, sáng ngày 28/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN ngày 29/3/1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.

Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay.

Theo quy định hiện hành, chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31/12/2020 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 (trừ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế SDĐNN.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm. Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết xuất phát từ các lý do sau:

1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam; Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp cận đất đai, trong thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chính sách miễn thuế SDĐNN. Các chính sách này được đánh giá là có tác động tích cực, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức, cá nhân SDĐNN để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

3. Tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu với những cam kết sâu rộng. Ngoài ra, với xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới và những thách thức nội tại của ngành nông nghiệp ngày càng trở nên khó khăn (như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, liên kết giá trị nông sản, biến động giá thị trường...) đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là một giải pháp khuyến nông cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng và kết nối chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

4. Tiếp tục hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là biện pháp khuyến nông thông qua thuế, tạo cơ sở cho tập trung đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tỷ trọng lao động nông nghiệp ở nông thôn. Hiệu ứng về mặt xã hội của chính sách miễn thuế SDĐNN là thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển hình thức kinh tế trang trại và ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong khu vực nông thôn, giảm áp lực lao động đi làm tại các địa phương khác hoặc xuất khẩu lao động, từ đó giúp tăng thu nhập cho lực lượng lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

5. Phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phần lớn các nước đều đưa đất nông nghiệp vào đối tượng chịu thuế tài sản hoặc thuế đất hoặc thuế sử dụng đất. Một số ít nước ban hành Luật thuế riêng về SDĐNN như Việt Nam. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích dành cho lĩnh vực nông nghiệp, trợ cấp nông nghiệp thì miễn thuế SDĐNN được sử dụng chủ yếu như một kênh hỗ trợ người nông dân và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực. Việc miễn thuế SDĐNN không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc sử dụng chính sách thuế như công cụ tài chính để góp phần khuyến khích phát triển nền sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới thì cần thiết tiếp tục miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tiếp tục hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN với nội dung là: Kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/NQ14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2025.

Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp vì đây chỉ là thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định. Đối với giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi.

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Việc quy định miễn thuế SDĐNN không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Ngoài ra, Dự án Nghị quyết không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới./.

Bích Lan