UỶ BAN ĐỐI NGOẠI THẨM TRA SƠ BỘ VIỆC GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ VỀ XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC

28/04/2020

Sáng ngày 28/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

 

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày ý kiến thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO. Đồng thời, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Do đó, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, trình tự, thủ tục đề nghị gia nhập Công ước số 105 tuân thủ quy định tại khoản 14 Điều 70, khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Điều 41 Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 cũng đảm bảo theo quy định tại Điều 45 Luật Điều ước quốc tế về hồ sơ trình gia nhập điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung Báo cáo đánh giá một cách toàn diện, cụ thể hơn những tác động của Công ước số 105 về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế đối với nước ta.

Về tính hợp hiến và mức độ phù hợp các cam kết của Công ước số 105 với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, các ý kiến của Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ cho rằng các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với các quy định của Công ước số 105 về cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, qua rà soát cho thấy các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với các quy định của Công ước số 105, do đó không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nói trên để thực hiện Công ước này.

Có ý kiến cho rằng, để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, ý kiến thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Thường trực Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Đối ngoại, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, hoàn thiện bộ câu hỏi, trả lời để cung cấp cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu và tham khảo, đồng thời, sớm nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số, hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát tổng thể đối với việc thực thi hệ thống các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập.

Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra sơ bộ việc gia nhập Công ước số 105, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Đối ngoại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung này./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh