ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

15/05/2020

Sáng ngày 15/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020.

 

Mở đầu buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tóm tắt về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách năm 2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 

Thảo luận tại phiên họp về đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã có báo cáo sát đúng với tình hình, những kết quả đạt được đều cao hơn số báo cáo Quốc hội trước đây. Nhấn mạnh năm 2019 là điểm sáng, là năm rất tích cực và toàn diện nhất trong 10 năm trở lại đây và trong 4 năm thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Những tồn tại, yếu kém cũng được Chính phủ đưa ra trong báo cáo rất rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn.

Về kết quả giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ 4 tháng và dự báo năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm với kỳ vọng là một năm có mức độ tăng trưởng và kết quả đạt được tăng cao hơn năm 2019. Song, vì đại dịch COVID-19 đã tác động quá lớn đến nền kinh tế thế giới, khu vực và trực tiếp đến Việt Nam. Trước tình hình trên thì Đảng, Nhà nước đã có biện pháp rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tích cực, kịp thời, chủ động, cùng với sự cố gắng và ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp qua đó hạn chế thấp nhất các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đẩy lùi được dịch bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh và từng bước phục hồi sản xuất và đời sống. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với những đánh giá của Chính phủ cũng như các giải pháp, đề xuất; đồng thời đề nghị một số vấn đề:

Một là, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá và dự báo tình hình năm 2020 một cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ ba bên cạnh 2 kịch bản hiện có. Kịch bản thứ ba trên cơ sở khả năng là làn sóng thứ hai về dịch bệnh sẽ diễn ra vào Thu Đông 2020 và dịch bệnh trên thế giới chưa thể dập tắt ngay được trong năm 2020 và cũng chưa thể có vắc xin phòng bệnh có thể kéo sang đến năm 2021. Theo đó thì những lĩnh vực kinh tế có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó nếu như có kịch bản thứ 3 thì thì có thể xác định tăng trưởng của Việt Nam chỉ khoảng 3%, kéo theo các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn sẽ gặp khó khăn, nhất là hụt thu ngân sách, bội chi ngân sách, nợ công sẽ ở mức cao hơn. Trên cơ sở kịch bản đó để thấy rõ tình hình và có giải pháp thích ứng.

Hai là tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế trong tình hình mới, nhất là sau đại dịch COVID-19 phải nhận thức rõ được các vấn đề, giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đang hiện hữu một cách tích cực, trước khi triển khai đồng bộ các nhiệm vụ mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng với một nền kinh tế mở như Việt Nam, qua dịch bệnh cũng cần tính toán theo hướng chú trọng đến thị trường trong nước, cân đối giữa sản xuất, nhất là những sản phẩm có tính chất thiết yếu của đất nước như vấn đề lương thực, thực phẩm, vấn đề năng lượng, vấn đề thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra Chính phủ cũng cần tính toán những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, vấn đề quốc phòng, an ninh.

Đánh giá cao nội dung các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thời gian qua trong bối cảnh thực hiện phòng, chống dịch, kinh doanh đình trệ, khó khăn nhưng cả nước đều cố gắng đạt được kết quả đáng trân trọng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quản lý, điều hành của Chính phủ, sự chỉ đạo cương quyết của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, từng ngành, từng lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan tâm đối với vấn đề điều hành ngân sách bởi lập và giao dự toán ngân sách dựa trên kịch bản tăng trưởng 6,8%, nên trong tình hình khó khăn, tăng trưởng không đạt thì điều hành thực hiện ngân sách phải chú ý chặt chẽ, chú ý đến nguồn vốn, điều hành dự toán chi - thu. Cùng với đó là nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu ngân hàng rất cao. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ cũng phải tính tới việc hấp thụ của nền kinh tế để gánh hậu quả về sau. Nhấn mạnh thực tế thu ngân sách 2020 sẽ giảm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phải hết sức tỉnh táo trong các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu tột độ.

Về các giải pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các giải pháp của Chính phủ cần toàn diện, rõ hơn và cụ thể hơn. Theo đó, cần phải tiếp tục rà soát lại các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả COVID-19 đúng, trúng, tránh kích thích sai, đầu tư sai dẫn đến những thiệt hại không đáng có.

Phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Quốc hội, nhất là vấn đề đầu tư công, đảm bảo giải ngân theo đúng tiến độ, đúng kế hoạch, bố trí dự án trong kế hoạch đã được bố trí vốn.

Phải rà soát lại các chính sách về tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, chính sách chi tiêu mà Chính phủ dự kiến sẽ đề xuất như chính sách giãn thuế, phí, vấn đề giảm, miễn thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng mức giảm trừ gia cảnh…phải cân nhắc, tính toán thu chi đảm bảo hiệu quả nhất, tránh để tình trạng nợ xấu gia tăng, tránh tình trạng hụt thu quá mức. Chính phủ phải rà soát kỹ lưỡng và đồng bộ để có cái nhìn toàn diện không chỉ từng giải pháp đơn lẻ.

Về chi ngân sách, đề nghị bảo đảm nguyên tắc giảm thu thì phải giảm chi tương ứng từ Trung ương đến địa phương. Nếu những khoản không thể giảm chi thì phải dùng dự phòng ngân sách, quỹ dự phòng tài chính để chi, dùng tăng thu, tiết kiệm chi để chi, sau đó mới tính đến vấn đề điều chỉnh bội chi nợ công, tránh để chi tràn lan mà không kiểm soát được.

Ngoài ra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải làm rõ vấn đề môi trường, vấn đề an ninh nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, vấn đề giáo dục, y tế, vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo, an toàn giao thông.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ nội dung vấn đề miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020; tăng mức giảm trừ gia cảnh; vấn đề gia hạn thu ngân sách nhà nước; tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có một Báo cáo bổ sung về vấn đề an ninh nguồn nước và đề xuất những giải pháp cấp bách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tổng hợp tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ, các báo cáo nhất là các kịch bản, các vấn đề đánh giá tác động để Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác