BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TRÌNH BÀY TỜ TRÌNH DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI ĐÀ NẴNG

16/05/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 45, sáng ngày 16/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự thảo Nghị quyết được nghiên cứu, xây dựng ngay sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương “cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước” tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện chủ trương nêu trên, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết báo cáo Chính phủ cho ý kiến và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XIV theo quy trình một kỳ họp.

Dự thảo Nghị quyết và hồ sơ liên quan đã được chuẩn bị theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm: (1) Tổng kết đánh giá việc xây thực hiện Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; Báo cáo thực trạng tổ chức hoạt động chính quyền địa phương các cấp tại thành phố Đà Nẵng; Xây dựng Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập;  Tổ chức họp, lấy ý kiến và giải trình ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, cơ quan liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị quyết.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thống nhất và ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP ngày 04/3/2020 thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và có Tờ trình số 72/TTr-CP ngày 04/3/2020 trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp thu Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44 (tháng 4/2020) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết. Trong dự thảo Nghị quyết đã đề cập Tổ chức chính quyền cấp Thành phố. Theo đó, đây là một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 4 đến Điều 6 dự thảo Nghị quyết).

Về HĐND Thành phố: Cơ cấu tổ chức HĐND thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò giám sát của HĐND Thành phố tại quận, phường và quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm giám sát, kiểm soát quyền lực.

Kinh nghiệm từ việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện và phường giai đoạn 2009 – 2016 tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, khi không có HĐND, cần đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy cũng như nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thì hoạt động của hệ thống chính trị mới thông suốt, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh của địa phương.

Nhiệm vụ, quyền hạn HĐND Thành phố thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn từ HĐND ở quận, phường gồm: (1) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán cấp mình (bao gồm dự toán ngân sách UBND quận, UBND phường); điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; (2) Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia  và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường; (3) Giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND quận, phường và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận; (4) Bầu Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân quận theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp (Điều 4).

Về UBND thành phố: Cơ cấu, tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND Thành phố thực hiện theo các quy định khung của Chính phủ, có xét đến tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước ở đô thị để UBND Thành phố xây dựng đề án về số lượng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định pháp luật khác liên quan và bổ sung một số nhiệm vụ từ HĐND quận: (1) Lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình (bao gồm dự toán ngân sách UBND quận, UBND phường) trình HĐND Thành phố quyết định. Lập quyết toán ngân sách địa phương trình HĐND Thành phố phê chuẩn; (2) Phê duyệt kế hoạch triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm của UBND quận; quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công; (3) Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; (4) Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các quận trực thuộc (Điều 5).

Việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhằm phù hợp với cơ cấu tổ chức UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước, làm việc theo chế độ thủ trưởng, không còn các ủy viên uỷ ban là Trưởng công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự như quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Với thẩm quyền này, UBND Thành phố thống nhất quyết định, chỉ đạo tổ chức thực hiện trên toàn địa bàn thành phố, kết hợp phân công, phân cấp cho thủ trưởng các ngành, địa phương chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ có liên quan khi không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở quận, phường.

Do không tổ chức HĐND cấp quận nên bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND Thành phố được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, trừ trường hợp đối với huyện Hoà Vang được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 6).

Về Tổ chức chính quyền cấp quận (Điều 7 đến Điều 8): Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận tại Thành phố bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND quận chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND quận nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập. Tuy nhiên, chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các quận. Đối với huyện Hòa Vang, vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND huyện. 

Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác có liên quan, các nhiệm vụ quyền hạn được đề xuất thí điểm tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và theo phân cấp, uỷ quyền của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố và được thiết kế như sau:

Cơ cấu, tổ chức và chế độ làm việc (Điều 7): Cơ cấu tổ chức UBND quận gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng, Phó Trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của UBND quận.

Khi đó người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, Trưởng công an quận, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận không còn là ủy viên UBND, làm việc theo chế độ tập thể UBND như quy định hiện nay của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc quy định nội dung này tại dự thảo Nghị quyết để phù hợp với quy định UBND quận là cơ quan hành chính ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Chế độ làm việc: UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu UBND quận chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố, trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và phân cấp, uỷ quyền của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố và ký các văn bản của UBND quận.

Nhiệm vụ quyền hạn của UBND quận và Chủ tịch UBND quận (Điều 8): UBND quận là cơ quan hành chính ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi không tổ chức HĐND quận, cụ thể: (1) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND Thành phố. (2) Trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công. (3) Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Do không tổ chức HĐND ở phường nên bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND quận được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường.

Tổ chức chính quyền cấp phường (Điều 9 đến Điều 10): Việc quy định thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Thành phố bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập. Tuy nhiên, chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các phường đô thị, tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND phường. Đối với các xã ở huyện Hòa Vang, vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND xã. 

UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác có liên quan, các nhiệm vụ quyền hạn được đề xuất thí điểm tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và theo phân cấp, uỷ quyền của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, UBND, Chủ tịch UBND quận và được thiết kế lại như sau:

- Cơ cấu tổ chức: Cơ cấu tổ chức UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường.

- Chế độ làm việc: UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND quận và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường, trực tiếp quản lý, sử dụng công chức theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của cơ quan cấp trên; ký các văn bản của UBND phường.

- Nhiệm vụ, quyền hạn: Khi thí điểm phương án tổ chức chính quyền địa phương ở phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường) ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết.

Mô hình thí điểm tổ chức chính quyền địa phương nêu trên là tương tự với quy định về thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hà Nội tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.

Về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố (Chương III): Tại Tờ trình số 72/TTr-CP ngày 04/3/2020, Chính phủ đã đề xuất 08 cơ chế, chính sách đặc thù. Theo Kết luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì các chính sách về tiền lương, thu nhập tăng thêm và chính sách thuế riêng cho thành phố Đà Nẵng (giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) không quy định tại dự thảo Nghị quyết để đảm bảo thực hiện thống nhất trong cả nước về cơ chế tiền lương, thu nhập theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật về thuế.

Đối với các chính sách đặc thù đã quy định tại Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng (gồm: tăng hạn mức dư nợ vay cho Thành phố tăng từ 40% lên 60%; số bổ sung có mục tiêu 70% từ ngân sách Trung ương cho thành phố Đà Nẵng từ tăng thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát và sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP. Chính phủ kính đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thống nhất để Chính phủ có cơ sở sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP.

Như vậy, với các lý do trên, Chính phủ đề nghị quy định 04 chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định, cụ thể:

Về điều chỉnh quy hoạch Thành phố (Điều 11): dự thảo Nghị quyết quy định:

1. Trên cơ sở quy hoạch Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

a) Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thành phố;

b) Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lập, thẩm định và trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Thành phố;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định điều chỉnh quy hoạch thành phố, trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

d) Căn cứ điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 5, 6 Điều 53 của Luật Quy hoạch.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.”

- Về điều chỉnh quy hoạch Thành phố: Theo quy định của Luật Quy hoạch thì trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh được thực hiện như đối với việc lập quy hoạch mới (Khoản 2 Điều 54). Thẩm quyền phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thành phố (Khoản 1 Điều 54), phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch (Khoản 2 Điều 15) và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch (Khoản 1 Điều 51) là Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh quy hoạch khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch.

- Về điều chỉnh quy hoạch đô thị: Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (Khoản 2 Điều 51) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch (Khoản 7, Khoản 10 Điều 29), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì tại Nghị định 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ, Thành phố đã được phân cấp điều chỉnh cục bộ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương trong từng giai đoạn (Điều 8) và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (Khoản 3 Điều 9).

Do đó, để đảm bảo rút gọn thời gian, trình tự thủ tục phù hợp với mô hình thí điểm chính quyền đô thị theo hướng phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền Thành phố nêu tại Chương II Dự thảo Nghị quyết thì đề xuất phân quyền cho Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch Thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị Thành phố như quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với năng lực chuyên môn và tiến trình phát triển của Thành phố, đối với nội dung điều chỉnh quy hoạch Thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định việc điều chỉnh quy hoạch chỉ được thực hiện đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch quy định tại các khoản 2, 5, 6 Điều 53 Luật Quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 3, 4, 7 Điều 35 Luật Quy hoạch, làm thay đổi mục tiêu quy hoạch do ảnh hướng phạm vi, quy mô lớn thì vẫn thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quy hoạch. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định nguyên tắc phân quyền cho HĐND, UBND thành phố, còn trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch về cơ bản vẫn theo quy định của Luật Quy hoạch (vẫn phải xin ý kiến các Bộ, ngành và sau khi điều chỉnh quy hoạch phải báo cáo kết quả tới Thủ tướng Chính phủ) và sẽ được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định của Chính phủ theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 14 dự thảo Nghị quyết.

Việc áp dụng chính sách này sẽ tăng cường phân cấp, đảm bảo sự chủ động cho địa phương và rút gọn thời gian thực hiện cho các thủ tục lập điều chỉnh quy hoạch thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị so với quy định hiện hành trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý và tạo sự chủ động, tăng tính trách nhiệm để Thành phố thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Bên cạnh đó, việc áp dụng thí điểm chính sách cho thành phố Đà Nẵng là cần thiết để Chính phủ tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết này nói riêng và sơ kết thực hiện Luật Quy hoạch nói chung, báo cáo Quốc hội xem xét việc thí điểm cho phép phân quyền tương tự đối với chính quyền địa phương của các thành phố trực thuộc Trung ương khác./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Các bài viết khác