Ý KIẾN THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆC THỰC HIỆN TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

16/05/2020

Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 

Ghi nhận một số kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội

Về tổng quan kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng ghi nhận một số kết quả nổi bật sau sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 88 và 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm tính hàn lâm, gắn với thực tiễn, tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm cho học sinh, tạo điều kiện thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 88.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Trên cơ sở các thông tư về biên soạn SGK và chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đã có các Nhà xuất bản chủ động biên soạn các bộ SGK cho các môn học bắt buộc và môn Tiếng Anh (tự chọn) ở lớp 1 từ nguồn xã hội hóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK cho các môn học bắt buộc và 6 quyển SGK môn Tiếng Anh (tự chọn) ở lớp 1 để sử dụng từ năm học 2020-2021 (tháng 9/2020). Các bộ SGK đã cơ bản tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm quy trình và chất lượng theo Luật định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn đội ngũ báo cáo viên nguồn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, kịp thời tham mưu để Chính phủ cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Nghị quyết 88 trong giai đoạn 2015 – 2019 và có bố trí nguồn vốn hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn

Các địa phương đã đánh giá thực trạng, nhu cầu về giáo viên và cơ sở vật chất (CSVC), chuẩn bị các phương án tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và CSVC cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; có kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí biên soạn nội dung giáo dục của địa phương theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông  mới.

Các trường đại học sư phạm trọng điểm làm nòng cốt, đã và đang tham gia quá trình đổi mới giáo dục phổ thông trong toàn bộ các khâu: biên soạn chương trình giáo dục phổ thông , biên soạn và xuất bản SGK, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông.

Chậm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội còn một số hạn chế.

Nghị quyết 88 yêu cầu: “Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.”. Đối chiếu với Nghị quyết 88, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới đã chậm 2 năm. Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 51 điều chỉnh lộ trình thực hiện việc triển khai áp dụng SGK, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng lúc với các bộ SGK được thực hiện theo chính sách xã hội hóa, Nghị quyết 88 giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK từ nguồn ngân sách nhà nước; tiến độ biên soạn SGK từng cấp, lớp theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (đến năm học 2024-2025), trong đó SGK lớp 1 được triển khai bắt đầu từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được nhiệm vụ biên soạn SGK lớp 1 (cả 5 bộ SGK lớp 1 đang triển khai cho năm học 2020-2021 đều được biên soạn từ nguồn xã hội hóa).

Nghị quyết 88 xác định mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là “tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”. Về nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai công tác tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên nguồn; triển khai mô hình tập huấn giáo viên đại trà theo phương thức bồi dưỡng qua mạng thường xuyên, liên tục và tại chỗ với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán kết hợp với sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn theo trường và cụm trường để đưa trực tiếp nội dung tập huấn vào hoạt động dạy học hằng ngày ở các nhà trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tập huấn giáo viên đại trà mới bắt đầu triển khai; chất lượng tập huấn một số cuộc, theo phản ánh của nhiều cán bộ, giáo viên, cũng còn hạn chế.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ trong việc bố trí kinh phí để thực hiện Nghị quyết 88. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chỉ nêu kinh phí xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới và kinh phí biên soạn SGK; các khoản kinh phí khác vốn rất cần thiết cho quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa được đề cập để báo cáo Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ cũng chưa phản ánh đầy đủ kết quả biên soạn nội dung giáo dục của địa phương, trong khi từ nay đến thời điểm triển khai dạy học "Nội dung giáo dục của địa phương" trong chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 chỉ còn 4 tháng; với lớp 2 và lớp 6 chỉ còn hơn 1 năm. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng cho rằng, đây là vấn đề cần giải quyết ngay, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt và tích cực hơn trong thời gian tới.

Chỉ đạo thực hiện bảo đảm cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

Trên cơ sở báo cáo việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 (ưu tiên miền núi, biên giới, hải đảo, các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai).

Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các Bộ sớm ban hành các thông tư liên quan trước khi Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2020).

Chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình các trình độ; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm.

Chỉ đạo Bộ Nội vụ quan tâm tới tính đặc thù của công chức, viên chức ngành Giáo dục trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành giáo dục.

Chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Nghiên cứu đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông./.

Bảo Yến

Các bài viết khác