LÀM RÕ PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM PHÁN QUYẾT CỦA CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ THEO HIỆP ĐỊNH EVIPA

01/06/2020

Sáng ngày 01/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tư pháp về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng làm rõ, hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3, 4 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu cần thiết, được coi là phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, về chủ thể và cơ chế ra phán quyết có những điểm khác với quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, trong khi chưa sửa đổi các văn bản luật có liên quan thì cần ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Điều ước quốc tế. Đồng thời, việc Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua Nghị quyết thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, không trái với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Nội dung của dự thảo Nghị quyết tương thích với các điều ước quốc tế liên quan như Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, Hiệp định EVIPA và 21 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu.

Về tên gọi và phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, Nghị quyết này chỉ khẳng định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA, mà không phải quy định về một cơ chế mới để thi hành phán quyết. Cần quy định rõ về việc áp dụng pháp luật, áp dụng thủ tục tương tự để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, cần điều chỉnh phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết cho chính xác với Hiệp định EVIPA và để bảo đảm tính khả thi, cụ thể: khoản 1 Điều 3.53 Hiệp định EVIPA quy định phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ chỉ bao gồm: (i) thiệt hại về tiền và lãi suất áp dụng; (ii) chuyển giao tài sản hoặc bồi thường thiệt hại bằng tiền, lãi suất áp dụng thay cho việc chuyển giao. Trong khi đó, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết chỉ giới hạn ở nghĩa vụ tài chính của phán quyết chung thẩm là chưa rõ, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp

Về công nhận và cho thi hành phán quyết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại Điều 2 thể hiện rõ được việc áp dụng pháp luật đối với từng giai đoạn cụ thể để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Hiệp định; cần thể hiện rõ trong giai đoạn được áp dụng ngoại lệ đối với Việt Nam theo quy định tại khoản 3, 4, 5 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định, Tòa án có thẩm quyền của Việt nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để công nhận hoặc không công nhận phán quyết EVIPA hay chỉ áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết EVIPA.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng sau khi Hiệp định EVIPA có hiệu lực thì cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định mới được thành lập và đi vào hoạt động. Do đó, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết cần tính theo thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVIPA và cần được thể hiện rõ trong dự thảo Nghị quyết theo hướng: Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác