ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

11/08/2020

Thực hiện chương trình phiên họp thứ 47, chiều ngày 10/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đã đề cập về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Theo đó, Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.

Trong khuôn khổ phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi rộng; quyền hạn, trách nhiệm và sự phối hợp với các cơ quan, Bộ ngành rộng hơn so với Pháp lệnh về Lực lượng bộ đội biên phòng. Trong dự án Luật này cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu vừa đảm bảo độc lập chủ quyền, an ninh lãnh thổ và những nhiệm vụ khác, nhằm tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng ở khu vực biên giới và cửa khẩu.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hiện nay, chúng ta đang xây dựng một nền quốc phòng toàn dân nên trách nhiệm bảo vệ biên giới không chỉ dành riêng một lực lượng nào mà là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, của nhân dân. Tại Điều 13 quy định nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, còn Điều 29 quy định trách nhiệm của Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng trong việc quản lý biên giới quốc gia. Việc thực hiện nhiệm vụ thì cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, cơ quan, Bộ ngành nào chịu trách nhiệm phối hợp hiện chưa rõ nên cần xem xét lại.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm.

Đề cập về vấn đề trên, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng việc chủ trì phối hợp thực hiện bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo Điều 12 khoản IV, Điều 13, Điều 27 và Điều 29 theo hướng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng. Trong đó, bộ đội biên phòng, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới sẽ phù hợp hơn với Luật Biên phòng, Luật An ninh nhân dân, Luật Công an Nhân dân, Luật Biên giới quốc gia và những văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Bởi vì trong Điều 66 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ: Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 67 quy định Nhà nước xây dựng công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, căn cứ vào Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nêu nguyên tắc hoàn thiện tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước hiện nay là một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, tổ chức thực hiện và đảm nhiệm. Một việc do một cơ quan, tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm. Một tổ chức, cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ, đồng thời nhất quán quan điểm quản lý và thực hiện quản lý Nhà nước phải thống nhất không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ cần phân định chức năng của Bộ Công an là đơn vị nòng cốt chủ trì, quản lý và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.


 Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam.

Ngoài ra, việc đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới không chỉ là quản lý đường an ninh biên giới, cột mốc là chính mà còn là bảo vệ nội bộ an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin, đấu tranh chống gián điệp, phản động, quản lý xuất nhập cảnh, phòng ngừa chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy... Các nhiệm vụ này được quy định trong hệ thống pháp luật an ninh, trật tự hiện nay, cơ bản đã hoàn thiện và chúng ta đã có như Luật An ninh quốc gia, Luật Công uan nhân dân, Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Phòng chống khủng bố... Trong đó đã quy định rõ Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất quản lý trên các lĩnh vực này.

Giải trình, làm rõ hơn về vai trò chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bộ đội biên phòng cũng như sự phối hợp với các lực lượng khác trong việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến khẳng định: Dự án Luật được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến theo quy định của pháp luật, sự kế thừa các văn bản pháp luật hiện có và tình hình thực tiễn hơn 61 năm, qua những việc bộ đội biên phòng đã và đang làm chứng minh là đúng và hiệu quả. Hiến pháp và các luật liên quan như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004 và Luật Quốc phòng năm 2018 đều giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì đảm bảo về an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đây là một trong hai vấn đề cơ bản được xin ý kiến các thành viên Chính phủ và nhận được sự thống nhất rất cao.

Tuy nhiên, thực tế sự phối hợp giữa lực lượng công an và quân đội, đặc biệt bộ đội biên phòng nói riêng trong phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự rất tốt nên sự phối hợp giữa các lực lượng này cần được phát huy. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến cũng cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ cùng với ban soạn thảo tiếp tục phối hợp rà soát để đảm bảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam thực sự chất lượng, chặt chẽ để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10 tới.


 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến.

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí với tên gọi của dự án Luật và đánh giá cao cơ quan cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam so với ban đầu. Về phạm vi điều chỉnh, có nhiều ý kiến băn khoăn về một vài điều trùng lặp với Luật Biên giới quốc gia, nhưng theo Điều 1 đã được điều chỉnh có quy định chính sách, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động, đảm bảo của các cơ quan, tổ chức, cán nhân về biên phòng. Về lực lượng thực thi bộ đội biên phòng (Điều 6) đã được chia thành 2 khoản đề cập tới trách nhiệm chung và lực lượng nòng cốt đã được chỉnh sửa phù hợp hơn. Còn tại Điều 10 nói về trách nhiệm của bộ đội biên phòng cùng phối hợp điều tra trong hoạt động tư pháp cũng được quy định rõ đơn vị thực hiện. Với những chỉnh lý, sửa đổi trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng thuận trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 10 tới.

Đề cập xây dựng thế trận biên phòng toàn dân được quy định tại Điều 9 trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm: Thực tế trong thời gian qua, tổ chức cơ sở ở khu vực biên giới làm nền tảng được thể hiện rất tốt. Ví dụ như ở những vùng miền khó khăn đều cử cán bộ làm Bí thư nên việc tổ chức ở cơ sở hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, trong dự án Luật lại bỏ nội dung này mà thay vào là xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét lại việc tổ chức cơ sở ở khu vực biên giới.


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.

Trong khuôn khổ phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh bày tỏ băn khoăn về việc giao quyền hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở khu vực biên giới, trong đó có khu vực cửa khẩu, xuất nhập khẩu cho Đồn trưởng Đồn Biên phòng trong khi hiện tại do cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.

Liên quan ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, Dự thảo quy định rất cụ thể trong vành đai biên giới thì thẩm quyền của Đồn trưởng Đồn Biên phòng được tạm dừng thế nào, khi tạm dừng phải lập tức báo cáo cấp có thẩm quyền ra sao. 

“Những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì tất cả phải vì mục đích quốc gia dân tộc chứ không phải vì Bộ ngành, địa phương. Thực tế trong tình hình dịch bệnh, thiên tai địch hoạ thì Đồn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng có quyền thống nhất với lực lượng chức năng của nước láng giềng và các lực lượng chuyên ngành ở cửa khẩu tạm thời dừng hoạt động qua lại biên giới để ngăn chặn. Quy định như dự án Luật là không có gì chồng chéo hay lạm quyền”- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến khẳng định.


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao ý kiến đóng góp của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những nội dung chỉnh lý của dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng cho rằng, cần có sự xem xét các điều trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam với các điều trong Luật Biên giới quốc gia và các luật khác để tránh sự trùng lắp.

Trong dự án Luật có đổi tên Chương II về Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng biên phòng thực thi nhiệm vụ biên phòng thành hoạt động cơ bản về biên phòng. Tuy nhiên, nội dung tập trung vào nền biên phòng toàn dân, phối hợp và hợp tác quốc tế. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, đảm bảo chặt chẽ phản ánh đúng nội dung giữa tên và nội dung đã được thiết kế.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận tại Phiên họp.

Về lực lượng bộ đội biên phòng, các quy định đều đã được chỉnh lý một cách toàn diện. Đặc biệt là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng, hình thức bảo vệ biên giới đã bổ sung thêm về phạm vi hoạt động của bộ đội biên phòng tại Điều 17. Việc chỉnh lý này là phù hợp, bám sát ý kiến của đại biểu Quốc hội trong việc làm rõ, phân định nhiệm vụ, chức năng của bộ đội biên phòng với các lực lượng khác; bổ sung về chế độ, chính sách với lực lượng này. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát đảm bảo chặt chẽ các chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bộ đội biên phòng đúng với tính chất, vai trò của lực lượng này là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, thực thi nhiệm vụ biên phòng duy trì an ninh trật tự khu vực biên giới.

Ngoài các vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho dự án. Đặc biệt là sự liên quan của dự án Luật với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác; sự phối hợp giữa lực lượng biên phòng với lực lượng công an, chế độ chính sách cho lực lượng biên phòng... Sau phiên họp này, Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan, Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự án Luật để xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc  hội khóa XIV tới./.

Bích Lan-Bùi Hùng

Các bài viết khác