HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

11/09/2020

Tiếp tục Phiên họp thứ 48, chiều ngày 11/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

 

Tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy lần này phải bảo đảm việc tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các bộ luật, luật đã được thông qua trong thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống tội phạm ma túy như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… và các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội chuẩn bị thông qua. Việc sửa đổi luật cần dựa trên quan điểm phòng và chống nhằm ngăn chặn tận gốc hậu quả có thể phát sinh do tệ nạn ma túy gây nên.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Tiếp tục Phiên họp thứ 48, chiều ngày 11/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, thời gian qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế; việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Thay mặt Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị tiếp tục duy trì quy định quản lý sau cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy. Biện pháp quản lý này bao gồm phần nội dung tương tự biện pháp quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và thêm nội dung hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy học nghề, tìm việc làm, tham gia chương trình phòng, chống tái nghiện ma túy, hoạt động xã hội

Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, công tác cắt nghiện thì dễ dàng nhưng để cai nghiện thành công thì rất khó khăn. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét nguyên nhân căn bản gây ra nghiện ma túy (gia đình thiếu sự quan tâm, đối tượng không có việc làm ổn định, nhiều trường hợp bị ép nghiện ma túy…), từ đó đề ra các biện pháp ngăn chặn từ xa. Bên cạnh công tác phòng ngừa tại gia đình, cộng đồng thì cũng cần làm tốt công tác ngăn chặn các hoạt động thẩm lậu chất ma túy vào nội địa nước ta.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ lo lắng về hậu quả của tệ nạn ma túy đang ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tình hình ma túy đang diễn biến rất phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành địa phương thời gian qua triển khai rất quyết liệt nhưng việc ngăn chặn phòng ngừa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy thời điểm này là hết sức cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị Ban soạn thảo làm rõ rách nhiệm của gia đình, nếu phát hiện người nghiện thì gia đình phải khai báo, nếu không khai báo thì phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Đại biểu lo ngại tình trạng tái nghiện chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 90% do vậy, sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội vào ngăn ngừa và phòng chống ma túy rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương, lực lượng công an cơ sở nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện.

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, tệ nạn ma túy là nguy cơ, hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là yêu cầu cần thiết sửa đổi luật để đáp ứng tình hình thực tiễn. Do vậy, việc sửa luật phải đảm bảo tăng cường phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia vào kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, sau phiên họp này cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan phối hợp, bổ sung, sửa đổi; giao Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới./.

Bùi Hùng

Các bài viết khác