ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH RÕ CHỨC NĂNG, TRÁCH NHIỆM, THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TÚY

10/12/2020

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chiều ngày 09/12, tại Phiên họp thứ 51, các thành viên của Ủy ban hường vụ Quốc hội đề xuất cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

Thực hiện Phiên họp thứ 51, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là tại Điều 10 cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

Theo dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy bao gồm: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đóng góp ý kiến.

Đóng góp ý kiến đối với Điều 10 của dự án Luật đề cập đến các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với nguyên tắc kế thừa của Luật Phòng chống ma túy hiện hành là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan khác trong phòng chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến là không nên quy định cụ thể về các hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc lực lượng công an nhân dân. Bởi vì quy định như vậy vừa lặp lại, vừa thiếu mà không mang tính toàn diện so với các quy định có liên quan ở trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Giám định tư pháp và một số luật khác liên quan đến hoạt động của cơ quan điều tra, tố tụng…

Ngoài ra, tại Điều 10 cũng nên có sự rà soát thêm để làm rõ khoản 2 và 3 về trách nhiệm và thẩm quyền của các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy. Nếu như trong Dự án Luật thì sẽ có sự chồng lấn về trách nhiệm và thẩm quyền giữa cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng công an nhân dân với các cơ quan chuyên trách về phòng chống tội phạm ma túy thuộc các lực lượng khác như: bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan. Vì vậy, cần quy định rõ thêm về trường hợp các cơ quan đều có thẩm quyền xử lý tội phạm ma túy thì cơ quan nào phát hiện tội phạm trước thì cơ quan đó có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết. Như vậy, sẽ đảm bảo về nguyên tắc chung trong xử lý vi phạm, tội phạm ma túy.

Liên quan các cơ quan xử lý tội phạm ma túy không bị chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định chung như trong dự án Luật. Còn cụ thể chức năng, thẩm quyền, trình tự thì nên tuân theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các luật về tố tụng.


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nêu quan điểm.

Đóng góp ý kiến đối với Điều 10 của dự án Luật đề cập đến các cơ quan có trách nhiệm xử lý, thụ lý vụ việc về ma túy, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng: Hiện nay, có 3 cơ quan thực hiện nhiệm vụ là cơ quan công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển, tức là 1 cơ quan chính, 3 cơ quan chuyên trách theo địa bàn, khu vực. Vấn đề này đã được thiết kế theo đúng Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Việc phân công nhiệm vụ, trách nhiệm như thế này không có gì chồng chéo. Vì nếu theo thẩm quyền điều tra về tội phạm ma túy thì Cục Điều tra tội phạm ma túy điều tra tất cả các vụ tội phạm ma túy từ đầu đến cuối, kể cả phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố, xét xử đều thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an, cơ quan phòng, chống ma túy.

Riêng đối với đấu tranh tội phạm ma túy thì thuộc chức năng của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, chỉ làm nhiệm vụ theo chức năng tại địa bàn của từng địa phương. Tức là cơ quan ở địa bàn biên giới thì chịu trách nhiệm xử lý các vụ việc về ma túy tại địa bàn biên giới. Lực lượng cảnh sát biển thì chịu trách nhiệm xử lý vụ việc tại địa bàn trên biển, tức là đảm bảo giải quyết các vụ việc về ma túy trong khu vực, địa bàn. Thẩm quyền của lực lượng cảnh sát biển là thực hiện các biện pháp điều tra ban đầu. Sau khi phát hiện, điều tra, bắt giữ, khởi tố thì chuyển giao cho cơ quan cảnh sát điều tra của cơ quan công an các cấp thụ lý, không làm điều tra toàn diện về việc này. Đây là vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã thể hiện rất rõ. Các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, hải quan thực hiện nhiệm vụ gác cửa biên giới, còn lại lực lượng công an chủ trì trong điều tra toàn diện.

Theo chức năng, nhiệm vụ thì lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy được quyền điều tra tất cả các vụ ma túy xảy ra trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm phối hợp với cơ quan phòng, chống ma túy của cảnh sát các nước để tiến hành các hoạt động điều tra ma túy. Như hiện nay, Bộ Công an cũng đang phối hợp với cảnh sát của Trung Quốc, Lào, Campuchia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và tất cả các nước, từ vấn đề xác lập chuyên án để phối hợp đấu tranh chung. Như vậy, trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vụ việc về ma túy không có gì vướng mắc trong Điều 10.


 Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Bùi Văn Lua. 

Tại Phiên thảo luận, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Bùi Văn Lua đồng thuận với Báo cáo giải trình của cơ quan thẩm tra về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các ý kiến về tránh sự chồng chéo về phân công nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết các vụ việc về ma tuy giữa các cơ quan chức năng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Bùi Văn Lua, chương VI quy định trách nhiệm các Bộ, ngành trong phòng, chống ma túy và thực hiện cai nghiện ma túy. Trong đó, trách nhiệm phòng, chống chủ yếu là thuộc trách nhiệm của công an, cơ quan chuyên trách của bộ đội biên phòng và cảnh sát biển. Tuy nhiên, 2 cơ quan chuyên trách là cảnh sát biển và bộ đội biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng. Vì thế, nên chăng có thiết kế giao trách nhiệm cho Bộ Quốc phòng trong vấn đề này, để chỉ đạo các cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là một chủ thể để thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy. Bộ Quốc phòng không những phòng ngừa trong nội bộ quân đội, mà còn chỉ đạo 2 cơ quan chuyên trách là cảnh sát biển và bộ đội biên phòng có nhiệm vụ phòng ngừa ma túy ở tất cả các tuyến biên giới, hải đảo. Đề nghị nên thiết kế phần trách nhiệm của Bộ Quốc phòng ở trong chương VI.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Trong Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Với không khí thảo luận rất sôi nổi, cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất việc sửa đổi Luật này với 8 chương 56 điều. Cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ đều nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình do đồng chí Thúy Anh trình bày. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, các thành viên có cân nhắc thêm và đề nghị chú ý thêm đối với các cơ quan, các đồng chí chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Đề cập trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan liên quan đến việc chủ trì và phối hợp xử lý các vụ việc về ma túy thì các thành viên đề cập trong Phiên họp là rõ ràng. Cho nên, trong việc hướng dẫn thi hành luật này, đề nghị Ban soạn thảo văn bản dưới luật ghi rõ các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhưng sau đó phải chuyển sang cơ quan điều tra phòng, chống ma túy của Bộ Công an hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử được. Đề nghị là làm đúng quy định, trách nghiệm và cơ quan phối hợp phải thông báo liên tục. Đây cũng là một trong những nội dung chúng ta cam kết trong Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, thẩm tra lại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có thể thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV./.

Bích Lan

Các bài viết khác