ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BÁO CÁO VỀ CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI MỘT SỐ DỰ ÁN THÀNH PHẦN TRÊN TUYẾN BẮC NAM PHÍA ĐÔNG

11/01/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 52, chiều ngày 11/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đề cập việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội, căn cứ kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, Chính phủ đã có Báo cáo số 610/BC-CP ngày 02/12/2020 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư. 


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo tại Phiên họp.

Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Dự án) gồm 11 dự án thành phần (06 dự án đầu tư công và 05 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP) với mức vốn nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án là trên 78.460 tỷ đồng. Tình hình triển khai thực hiện Dự án đến nay như sau:

Công tác giải phóng mặt bằng: Đã hoàn thành và bàn giao 612 km/652,77 km (đạt khoảng 94%); 6% còn lại chủ yếu thuộc phạm vi di dời công trình hạ tầng phức tạp dự kiến hoàn thành trong quý I và quý II năm 2021. Đã hoàn thành xây dựng 78/111 khu tái định cư; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý I năm 2021.

Công tác lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công đối với các dự án thành phần đầu tư công

Đối với 03 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2: 16/17 gói thầu đã triển khai thi công, 01 gói thầu (trụ tháp, dầm dây văng) thuộc cầu Mỹ Thuận 2 đang đấu thầu. Tổng số vốn đã giao trên 5.080 tỷ đồng (đạt 35,6%), đã giải ngân hơn 4.747 tỷ đồng (đạt 93,3%).

Đối với 03 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây (chuyển đổi phương thức đầu tư theo Nghị quyết số 117/2020/QH14): Đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công 13/13 gói thầu. Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022.

Công tác lựa chọn nhà đầu tư 05 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP

Kết quả đóng, mở thầu lựa chọn nhà đầu tư: Đến ngày 05/10/2020, Bên mời thầu đã thực hiện đóng/mở thầu toàn bộ 05 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư. Kết quả, 03 dự án thành phần (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; 02 dự án thành phần (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Đối với 02 dự án không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10/2020. Kết quả, dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 01 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật: Đối với 04 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bên mời thầu đã tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và trình phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Theo đó, 03/04 dự án thành phần có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); riêng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu.

Kết quả lựa chọn nhà đầu tư: Đối với 03 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, Bên mời thầu đã tổ chức đánh giá về tài chính - thương mại và trình phê duyệt kết quả đấu thầu. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư toàn bộ 03 dự án.

Như vậy, kết quả đấu thầu có 02 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu).

Phương án chuyển đổi phương thức đầu tư

Đánh giá về quá trình triển khai các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP: So với các dự án đầu tư theo phương thức PPP đã triển khai giai đoạn trước đây, các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như: hiệu quả tài chính được cải thiện do mức vốn nhà nước tham gia bình quân đến 51% tổng vốn đầu tư; ưu tiên nguồn vốn nhà nước để triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, đến nay đạt khoảng 94% khối lượng; tuyến đường được đầu tư mới, áp dụng hình thức thu phí kín nên đảm bảo công bằng, có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ; mức thu phí sử dụng dịch vụ được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ; tổng vốn đầu tư trong hồ sơ mời thầu được xác định theo thiết kế kỹ thuật, dự toán được duyệt nên kiểm soát tốt hơn về chi phí... Mặc dù vậy, tại thời điểm triển khai thực hiện các dự án thành phần PPP cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc và phụ thuộc vào yếu tố thị trường, đặc biệt là khả năng huy động vốn tín dụng để triển khai dự án (như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9).


Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại. Tại các buổi làm việc, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đều nhận thức được trách nhiệm trong việc xem xét, cung cấp tín dụng cho các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại và các quy định hiện hành.

Sự cần thiết chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 02 dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư: Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về tiến độ thực hiện: Đến nay, các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 94% khối lượng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thi công ngay trong quý II năm 2021, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 đồng bộ với các dự án từ Ninh Bình (Cao Bồ) đến Tiền Giang (cầu Mỹ Thuận 2) sẽ phát huy tối đa hiệu quả các dự án. Đồng thời, nếu chuyển đổi sang đầu tư công sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao để triển khai thi công, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Trong khi đó, nếu tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ kéo dài thêm thời gian tối thiểu khoảng 10 tháng, nhưng cũng chưa thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai sẽ không thể hoàn thành đồng bộ các dự án thành phần; làm giảm hiệu quả đầu tư và khai thác sử dụng do các dự án kết nối không liên tục, dòng phương tiện bắt buộc phải di chuyển vào/ra các nút để tới các tuyến song hành nên sẽ giảm tính hấp dẫn, kém thu hút vận tải và không phát huy tối đa được năng lực vận tải liên tục với tốc độ cao của đường bộ cao tốc, có thể gây áp lực lớn lên giao thông nội vùng; đặc biệt là công tác quản lý phần mặt bằng đã thu hồi sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khu vực dự án đi qua.

Về tiến độ giải ngân: Đối với 02 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư, trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư thì trong năm 2021 chưa thể giải ngân vốn đầu tư công đối đã bố trí cho các dự án này. Trong khi nếu được chuyển đổi sang đầu tư công, có thể khởi công và giải ngân ngay trong quý II năm 2021.

Việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án thành phần sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn trước mắt, việc chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước sẽ trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy được tăng trưởng của nền kinh tế.

Về lâu dài, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thành phần là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Về hiệu quả đầu tư: Việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công Dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 06 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai). Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành đầu tư 02 dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư

Quy định của pháp luật về đấu thầu: Theo quy định tại Điều 80 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ: Trường hợp tại thời điểm đóng thầu, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu thì bên mời thầu phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo một trong hai cách sau đây: (1) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu tối đa 30 ngày;  Quyết định hủy thầu đồng thời yêu cầu bên mời thầu điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư hoặc xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư do dự án không hấp dẫn nhà đầu tư.

Như đã nêu trên, nếu tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ kéo dài thời gian thêm tối thiểu 10 tháng và chưa thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định hủy thầu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội: Tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội quy định, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.

Kết quả đấu thầu 02 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư.

Phương án chuyển đổi phương thức đầu tư

Phương án chuyển đổi: Chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 02 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Các nội dung khác như mục tiêu đầu tư, phạm vi, quy mô đầu tư không thay đổi, không tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Về nguồn vốn đầu tư: Sử dụng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án. Cụ thể như sau: Tổng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án là hơn 78.460 tỷ đồng. Kết quả rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến thời điểm hiện nay là trên 89.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước là 77.940 tỷ đồng (đã tính phần vốn nhà nước sau khi chuyển 02 dự án thành phần sang đầu tư công), nguồn vốn nhà đầu tư huy động để tiếp tục triển khai 03 dự án thành phần theo phương thức PPP là trên 11.260 tỷ đồng.

Để bảo đảm hoàn thành đồng bộ các dự án thành phần, phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đã bố trí, căn cứ kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét: Quyết định chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 02 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, trên cơ sở cân đối từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án.

Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Minh Thành

Các bài viết khác