BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

15/03/2021

Chiều ngày 15/03/2021, tiếp tục Phiên họp thứ 54, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.

Cử tri đánh giá cao sự đổi mới, tinh thần trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội.

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810  kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95%. Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%.

Các ý kiến cho thấy, cử tri hết sức quan tâm và đánh giá cao sự đổi mới, tinh thần trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội. Cử tri cho rằng, công tác điều hành kỳ họp Quốc hội có sáng tạo, linh hoạt; hoạt động của Quốc hội đạt hiệu quả cao. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được các đại biểu Quốc hội tiếp thu, phản ánh khi đóng góp xây dựng pháp luật và trong hoạt động chất vấn. Một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân được đông đảo cử tri quan tâm như: việc đầu tư, xây dựng một số tuyến đường cao tốc; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực… đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lựa chọn giám sát. Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công, đảm bảo lựa chọn được những đại biểu có đủ năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại diện của Nhân dân.

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.804 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.713 kiến nghị, đạt 95%, trong đó: 1.420 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 134 kiến nghị đã giải quyết xong; 159 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.

Ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, Bộ, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an ninh - trật tự, quốc phòng - an ninh. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân, cụ thể:

Thứ nhất, các Bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Một số Bộ, ngành trả lời đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị, được nhiều Đoàn Đại biểu Quốc hội đánh giá cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp... Một số Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, tích cực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Quốc phòng về việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ ngã tư xã Chà Vàl đến xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; trả lời của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính; trả lời của Bộ Giao thông vận tải về đầu tư đường cao tốc Châu Đốc - Tân Châu; trả lời của Bộ Tư pháp về xác định họ cho con của người dân tộc Khmer...

Thứ hai, một số vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các Bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, hộ mới thoát nghèo tiếp tục được Nhà nước cho vay ưu đãi để tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thống nhất thí điểm sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số cho người dân tại 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ thời gian vừa qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh. Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế có thể sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số khi đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy.

Thứ ba, một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực... nhằm công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để hạn chế tối đa việc xảy ra tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều quy định mới như: trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 2 lần so với trước.

Thứ tư, một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị đang được các bộ, ngành tiếp thu khi nghiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản, trong đó sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa khả năng cân đối ngân sách của nhà nước và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng... Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thông tin đến cử tri về việc Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có nhiều biện pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong giải quyết án hình sự...

Vẫn xảy ra tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn.

Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Đó là vẫn xảy ra tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị từ các kỳ họp trước nhưng vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri chưa được trả lời đúng thời hạn. Đến nay, còn 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời. Kiến nghị các Bộ, ngành, cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của cử tri.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 54, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả khi cử tri yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, chất lượng. Cử tri tỉnh Ninh Thuận phản ánh, trong cơn bão số 5 (năm 2020) ở một số tỉnh miền Trung có nhiều cột điện ly tâm dự ứng lực (loại cột điện chịu lực tốt) đã bị gãy đổ. Cử tri đề nghị rà soát, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật đối với loại cột điện này. Trả lời cử tri, Bộ Công thương chỉ nêu chung chung đã cùng với Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng cột điện bị đổ hàng loạt. Tuy nhiên, Bộ không đề cập đến kết quả rà soát, kiểm tra tiêu chuẩn đối với loại cột điện nêu trên như cử tri đề nghị, trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh được cử tri hết sức quan tâm. Kiến nghị Bộ Công thương công bố kết quả rà soát, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cột điện ly tâm dự ứng lực theo yêu cầu của cử tri.

Vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình. Cụ thể, cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước” tại Thông tư số 200 Bộ Tài chính để phù hợp với quy định tại Nghị định số 97. Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho rằng, theo Nghị định số 97, người quản lý doanh nghiệp nhà nước được xếp loại theo 03 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ, còn tại Thông tư số 200 là Hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ theo. Theo Bộ Tài chính, việc xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “hoàn thành tốt nhiệm vụ” mặc dù có khác nhau về câu chữ nhưng về bản chất mức độ đánh giá xếp loại là giống nhau, cùng là mức cao nhất. Tuy nhiên, Bộ cũng đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 200 và sẽ thực hiện việc sửa đổi thuật ngữ liên quan đến mức xếp loại người quản lý doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất.

Về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học: tại Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về các hành vi học sinh không được làm:Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 08 địa phương đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn. Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Bộ đã yêu cầu giáo viên “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại để phục vụ học tập... các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả các học sinh phải có điện thoại để sử dụng ...” Qua giám sát cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Về vấn đề này, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên. Đồng thời cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện sự tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị.

Từ kỳ họp thứ 7 đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị ban hành Nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch... để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Qua giám sát cho thấy, Nghị định số 16 ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực... Tuy nhiên, sau hơn 5 năm từ khi Nghị định số 16 có hiệu lực, đến nay các Bộ mới chỉ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, các lĩnh vực còn lại chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn thực hiện. Điều này gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực. Kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm. Cụ thể, từ kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị có văn bản hướng dẫn kinh phí cho Kỳ thi THPT quốc gia để các địa phương có căn cứ thực hiện và kịp thời ban hành quy định mức chi chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2020 theo quy định. Về vấn đề này, theo báo cáo từ năm 2018 đến nay, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản trao đổi về việc ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 66. Tuy nhiên đến nay, hai bộ vẫn chưa thống nhất ý kiến về những nội dung hướng dẫn nên văn bản hướng dẫn chưa được ban hành. Kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn kinh phí cho kỳ  thi trung học phổ thông quốc gia.

Cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị và một số địa phương phản ánh một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới. Trả lời cử tri, Bộ Tài chính nêu, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý nhà, đất của cơ quan tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trung ương quản lý trên địa bàn địa phương, trong đó có nhà, đất là trụ sở làm việc cũ sau khi đã được xây dựng trụ sở mới  theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Như vậy, mặc dù đã hơn 03 năm kể từ ngày Nghị định số 167 quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công có hiệu lực nhưng việc thực hiện quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công vẫn chưa kịp thời như cử tri đã phản ánh. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương và các địa phương khẩn trương phối hợp thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, nhất là tài sản công là nhà, đất nhằm bảo đảm quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công.

Ông Dương Thanh Bình khẳng định, hiện vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa Bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Trong đó, cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Trả lời cử tri: quan điểm của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao chưa thống nhất. Bộ Tư pháp cho rằng: hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với bất kỳ số lượng nào đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Trong khi đó, Tòa án nhân dân tối cao lại trả lời cử tri: trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01 trong đó có quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế, thông tư liên ngành số 01 đã hết hiệu lực thi hành. Quan điểm của 02 cơ quan không thống nhất, có thể gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng pháp luật. Kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 của Bộ luật Hình sự.

Ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập... và những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm; các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng... để lấy ý kiến đóng góp có chất lượng phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng chính sách, pháp luật.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau./.

Lan Hương - Minh Thành