ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2022

14/06/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 57, chiều 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2020, là năm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, năm có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động, linh hoạt, đổi mới cách thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp thứ 9 và thứ 10 theo hình thức chia làm 02 đợt kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Trong bối cảnh đó, nhiều hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cũng có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng tính chủ động, dự báo và đạt được những kết quả quan trọng.

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43 Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát không quá 02 chuyên đề trong 01 năm, bố trí tại phiên họp tháng 8 và tháng 9”. Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ quy định theo hướng báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm tại kỳ họp giữa năm của năm sau. Theo đó, việc chuyển nội dung theo ý kiến nêu trên vẫn bảo đảm tiến độ báo cáo Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Về tổng hợp chuyên đề giám sát của các cơ quan, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, qua rà soát các nội dung đã thực hiện và cân đối các lĩnh vực, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến, đề xuất 08 chuyên đề để xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với một số chuyên đề được nhiều cơ quan đề nghị nhưng chưa được đề xuất đưa vào Chương trình giám sát năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã giải trình cụ thể như trong Báo cáo. Trong đó, đối với các ý kiến đề xuất liên quan đến đất đai, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, đây là vấn đề lớn; hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và tổng kết thi hành Luật Đất đai. Do vậy, kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này.

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực; theo đó, 06 chuyên đề được lựa chọn cụ thể như: Chuyên đề 1, việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030; Chuyên đề 2, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…); Chuyên đề 3, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021; Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội) và kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 2015-2020; Chuyên đề 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2012 đến ngày 01/7/2021; Chuyên đề 6, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển năng lượng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 04 trong số 06 chuyên đề theo Phiếu xin ý kiến. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo và các văn bản kèm theo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan chủ trì.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra rằng, vấn đề đất đai có đến 21 cơ quan đề nghị. Mặc dù Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tổng kết về vấn đề này nhưng tổng kết này chủ yếu là chúng ta dựa trên báo cáo. Nếu Quốc hội có điều kiện đi giám sát về việc này trước khi chúng ta xem xét, thông qua Luật Đất đai bổ sung, sửa đổi sẽ có nhiều thông tin từ thực tế, nhiều cơ sở thực tiễn để xem xét khi quyết định một vấn đề tương đối khó này.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc, bố trí chọn các chuyên đề giám sát phải đảm bảo hài hòa giữa các lĩnh vực và cũng đảm bảo khả năng của các Ủy ban về cân đối công việc để có thể giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này.

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng, rất nhiều nội dung mà nhân dân muốn giám sát, rất nhiều nội dung mà các cơ quan muốn giám sát nhưng thời hạn giám sát và nhân lực có ít. Một năm Quốc hội giám sát tối cao 02 lần và Thường vụ cũng 02 lần, còn lại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đa số các vấn đề bức xúc nhất thường là các vấn đề phát triển kinh tế, đất đai và môi trường. Do đó, cần cân nhắc, lựa chọn kỹ các nội dung giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, 06 nội dung này đều rất cần thiết. Chủ tịch Quốc hội đề xuất, trước hết Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 04 sau đó đưa ra Quốc hội sẽ chọn 02 nội dung, còn 02 nội dung nữa sẽ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng khuyến nghị 02 nội dung còn lại nếu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đưa vào chương trình giám sát hoặc giải trình.

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được kết quả rất quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của Quốc hội đối với nhân dân và cử tri cả nước. Kế thừa những kết quả đạt được, đề nghị các cơ quan tích cực triển khai chương trình giám sát năm 2022 theo chương trình đã xác định. Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lựa chọn 04 trong 06 chuyên đề để đưa ra Quốc hội. Các chuyên đề được chọn theo thứ tự là 1,2, 3 và 5.

Với hoạt động giám sát chung của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tích cực triển khai các hoạt động giải trình; Đề nghị của các cơ quan tiếp tục đổi mới về cách thức triển khai hoạt động giám sát về việc tổ chức Đoàn giám sát, việc điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, tăng cường chất lượng chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2022, Quốc hội sẽ tập trung triển khai các nội dung về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát.

Trên cơ sở kết quả của Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị Tờ trình về Chương trình hoạt động giám sát Quốc hội năm 2022 và các văn bản có liên quan để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới./.

Hồ Hương- Bùi Hùng