ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 VÀ KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM

15/06/2021

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 57, sáng 15/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyến Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021.

Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5, 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.

Cho ý kiến về các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, làm rõ để có giải pháp trong thời gian tới như việc ban hành các chủ trương, chính sách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã kịp thời quyết liệt, đủ manh, kết quả cụ thể; những vấn đề của kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự kiến trong 6 tháng cuối năm, các cân đối lớn của nền kinh tế, vấn đề nợ xấu, lạm phát, giá cả nguyên vật liệu thiết yếu, thu chi ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án công trình trọng điểm các chương trình mục tiêu quốc gia; các vấn đề về thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh, tình hình xuất nhập khẩu, sức khỏe và khả năng chống chịu, duy trì và phục hồi của doanh nghiệp; việc thẩm định các kế hoạch 5 năm…

Cần tổng kết, đánh giá các giải pháp, chính sách đã thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị đánh giá kết quả thực hiện các chính sách và gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng do đại dịch

Cơ bản tán thành các nội dung của các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các báo cáo cần bổ sung một số nội dung để hoàn thiện hơn. Trong đó, cần có thêm đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đây là nội dung đặc biệt quan trọng, nguồn lực cũng rất lớn, tuy nhiên, theo các báo cáo thì việc thực hiện chưa đạt được mục tiêu cần phải làm rõ hơn, đánh giá kỹ thêm nguyên nhân khách quan và chủ quan để xác định kế hoạch thực hiện tiếp theo.

Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng đây là một nội dung đặc biệt quan trọng, bởi khi làm tốt công tác bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới, an toàn, trật tự thì sẽ tạo ra môi trường phát triển xã hội, kinh tế rất tốt. Do đó, trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần làm rõ thêm nội dung này, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Phân tích, đánh giá, làm rõ những tác động diễn biến ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh; dự báo được các vấn đề có liên quan tác động của các nước lớn, vấn đề ngoại giao vaccine, vấn đề lợi dụng đại dịch để vận động, lôi kéo tác động đến các quốc gia, rồi lường trước được các sự kiện có thể xảy ra, kể cả trên biên giới đất liền, trên biển, trên không. Đặc biệt, cần phải phân tích làm rõ tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống nhân dân, vấn đề thu nhập, việc làm… bởi có ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Có cùng đề nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có trong tiền lệ và những khó khăn vô cùng lớn đối với nền kinh tế. Tình hình sản xuất và đời sống của người dân, Chính phủ đã có những bước đi và gói giải pháp đúng đắn, một mặt kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời giữ cho nền kinh tế vẫn có tăng trưởng dương như năm 2020 là 2,9% /năm. Điều này rất ít quốc gia có được. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chúng ta vẫn cần phải tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần tiến hành tổng kết, đánh giá cụ thể các gói giải pháp đã thực hiện trong năm qua để rút ra được những giải pháp gì cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, giải pháp gì cần được điều chỉnh; cần tiếp tục đánh giá đối với gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do đại dịch, đồng thời xem xét hiệu quả các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý bảo đảm nguyên tắc ổn định kinh tế vĩ mô

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý rằng, cần phải giữ nguyên tắc xuyên suốt trong thời gian thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đó là luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô khi đưa ra các chính sách trong giai đoạn này. Dù dịch bệnh có thể kéo dài đến đâu, nhiều doanh nghiệp có thể phá sản đến mức nào thì Chính phủ vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phải giữ cho được mức lạm phát và lãi suất thấp, tỷ giá phải được ổn định, đầu tư công phải được thực hiện đúng mục đích và môi trường đầu tư kinh doanh phải được giám sát tốt, không ngừng được cải thiện. Có như vậy, sau khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế mới nhanh chóng được phục hồi và phát triển. Nếu như không kiên trì được nguyên tắc này thì kể cả khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế cũng sẽ mất nhiều năm để khắc phục sự trì trệ như đã từng diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008. Do đó, báo cáo thẩm tra về kinh tế xã hội cần phải nhấn mạnh và yêu cầu Chính phủ phải giữ vững và thực hiện nguyên tắc này.

Làm rõ bối cảnh tình hình năm 2021 ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng các báo cáo nêu tương đối toàn diện, phản ánh đúng sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và hệ thống chính quyền địa phương cả nước trong 5 tháng đầu năm với các ưu điểm rất nổi bật và một số hạn chế, yếu kém đã được chỉ rõ. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị các báo cáo phải chỉnh lý thêm một số nội dung để gắn với kết luận của Trung ương, chỉ rõ các nội dung đã làm, nội dung chưa làm được. Đồng thời gắn với nội dung Nghị quyết 124 ngày 11/11/2020 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, từ đó đối chiếu với các mục tiêu tổng quát, các nhóm mục tiêu, 12 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội giao để báo cáo việc gì làm được, việc gì chưa làm được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu thực hiện đại hội Đảng, năm đầu thực hiện chiến lược 10 năm, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm, năm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, kiện toàn bộ máy; là năm chuyển giao nhiệm kỳ, vừa là năm cuối nhiệm kỳ vừa là năm đầu nhiệm kỳ. Do đó cần làm rõ, cuối nhiệm kỳ làm được đến đâu, và đầu nhiệm kỳ tới làm gì, trong đó, chú ý đến đặc điểm, bối cảnh của năm nay để phản ánh vào báo cáo sát với yêu cầu nhiệm vụ mà Trung ương và Quốc hội giao.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra vẫn còn chung chung, còn thiếu cấn đối giữa đánh giá về kinh tế và xã hội, nhất là đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống nhân dân, xã hội, sức khỏe, tinh thần, tình trạng đời sống một số bộ phận rất khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ nhiều nội dung

Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra phải căn cứ vào Nghị quyết 124 Quốc hội khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội của 2021, trong đó có tổng quát mục tiêu cụ thể, nhóm chỉ tiêu các nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm. Cùng với đó là Nghị quyết 128 Quốc hội về tài chính, ngân sách của năm 2021; Kết luận số 07 ngày 11/6 của Bộ Chính trị về một số các nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ nên tổng kết cái cũ trước khi có chính sách mới, đồng thời cần làm rõ hơn trong phần nhận định về bối cảnh của năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan Chính phủ và các cơ quan thẩm tra đã khẩn trương hoàn thiện các báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần bổ sung một số nội dung, cập nhật số liệu của 6 tháng đánh giá toàn diện tình hình và đặc biệt biểu dương các lực lượng ở tuyến đầu, trong đó ngành y tế, công an, quân đội và các địa phương đang khẩn trương phòng, chống dịch. Đồng thời có thêm đánh giá kết quả bầu cử; bổ sung các vấn đề đánh giá các chính sách kinh tế, các gói hỗ trợ, giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến các vấn đề về thể chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu để xử lý ngay những vấn đề liên quan đến các luật, việc thực hiện các luật cũng như đối với một số doanh nghiệp như hàng không, ngân hàng, vấn đề liên quan đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp, làm rõ nguyên nhân và nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành để có giải pháp tháo gỡ cụ thể và tích cực./.

Bảo Yến - Minh Thành