CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: PHẢI KHẮC PHỤC 2 KHUYNH HƯỚNG ''BẢO THỦ VÀ ĐỔ THỪA CHO CƠ CHẾ''

13/07/2021

Tại phiên họp thứ 58, cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần chú trọng vào các giải pháp tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có hoàn thiện thể chế.

Cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các báo cáo đã chuẩn bị rất kỹ và tiếp thu ý kiến của Trung ương và Đảng đoàn Quốc hội. Trong đó, các vấn đề về chỉ tiêu, mục tiêu, các khung con số đã được Trung ương đã quyết định, vì vậy cần bàn đến cách tổ chức thực hiện làm sao cho nó tốt và trong quá trình thực hiện phải phấn đấu cao hơn trong điều kiện tốt hơn, hạn chế những vấn đề vướng mắc xảy ra trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong tổ chức thực hiện, thể chế là vấn đề hết sức quan trọng. Đây là vấn đề đã được Trung ương cũng như Đại hội Đảng đặt vấn đề từ lâu rồi và nhiệm kỳ này đặt vấn đề thể chế phát triển chứ không thể chế kinh tế thị trường nữa. Vấn đề này rất mới nên phải có tư duy mới về vấn đề thể chế trong nhiệm kỳ này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thực tế vừa rồi ai phản ánh vấn đề thể chế, địa phương cũng như các bộ ngành đều đề cập đến vấn đề thể chế... nhưng thực tại chưa có thay đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Vậy đơn vị nào thống kê ra, đơn vị nào tổng hợp lại, rồi đơn vị sửa, sửa ở mức độ nào, có vướng thể chế thật hay không... nhưng thực tế vướng điều nào, vướng khoản nào, ai là người sửa thì không thấy đề cập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, pháp quyền là tuân thủ pháp luật, xây dựng một hệ thống pháp luật thế này mấy chục năm mới làm được. Thế giới đánh giá pháp luật của ta tương đối tốt, tất nhiên còn điểm nọ, điểm kia, còn những vướng mắc thật, nhưng vấn đề gì sửa được thì sửa ngay, Chính phủ chủ động kiến nghị, vấn đề gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ sửa, vấn đề gì không phải vướng luật thì tháo gỡ bằng biện pháp khác.

Từ thực tiễn công tác tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, khi về địa phương chỗ nào cũng kêu vướng luật nhưng cuối cùng có vướng đâu, làm được hết. Đó là do cách tổ chức công việc, cách bố trí, cách hiểu. Không hiểu thì hỏi bộ, bộ trả lời ngay nhưng Sở nọ bảo sở kia vướng, lên bộ cũng thế, thực ra là không vướng. Như vậy, về thể chế phải có một chương trình tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, có những biện pháp nói là pháp luật, nhưng tháo gỡ bằng những biện pháp phi pháp luật. Bởi vì pháp luật là một hệ thống, có thể giải thích, có thể vận dụng, có thể tùy hoàn cảnh, điều kiện. Nếu không tháo gỡ được bằng các biện pháp phi pháp luật mới dùng các biện pháp sửa pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, sửa pháp luật có thể sửa từ thông tư, nghị định, sửa từ văn bản hướng dẫn, sửa từ nghị định đến ban hành văn bản quy định chi tiết, vấn đề giải thích pháp luật, vấn đề ban hành nghị quyết thí điểm rồi cuối cùng mới sửa luật. Sửa luật cũng có thể sửa một điều, chỉ điều đó thôi hoặc dùng một luật sửa nhiều luật rồi mới đến sửa căn bản. Những luật nào 5-10 năm rồi thì rà soát, giống như nghị quyết Trung ương 10 năm phải tổng kết, 5 năm phải sơ kết, bây giờ luật, nghị định cũng phải thế thì mới tháo gỡ được. Vấn đề này phải có một chương trình từ Chính phủ và Quốc hội đang làm chương trình của Quốc hội, nhưng Quốc hội chỉ làm về luật, còn dưới luật là Chính phủ và các địa phương phải làm.

Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định liên quan đến thể chế, gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần phải rà soát các văn bản liên quan đến phát triển kinh tế và vấn đề COVID-19, phải rà soát các văn bản pháp luật và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phòng, chống COVID-19 vừa qua để sửa đổi, bổ sung. Bởi có những quy định nếu nhìn nhận một cách đúng mức thì có thể có những quy định vượt luật rồi, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung sớm nhất cũng như dự báo những khó khăn, vướng mắc sắp tới nhất là khi triển khai việc đưa vắc xin sản xuất trong nước ra lưu hành có những khó khăn, những vướng mắc nào về mặt pháp luật phải kịp thời kiến nghị để sửa đổi, bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ có đánh giá đầy đủ hơn về công tác hoàn thiện thể chế trong nhiệm kỳ vừa qua với tư cách là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Liên quan đến nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần tập trung làm rõ hơn giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Thứ nhất, việc triển khai, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn 2. Hiện nay chúng ta đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 1 và trong năm 2019-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất tích cực, quyết liệt chỉ đạo và đã hoàn thành việc sắp xếp ở 45 tỉnh, thành phố, giảm được 8 huyện và trên 100/100 đơn vị hành chính cấp xã và giai đoạn tới, theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị thì phải tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã mà không đạt 100% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng cũng còn rất lớn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, để thực hiện được vấn đề này, trước hết phải hoàn thiện mặt thể chế. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết có liên quan, Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết 1210 về phân loại đô thị, Nghị quyết 653 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tất cả những Nghị quyết này cần phải sớm tổng kết và sửa đổi, bổ sung, trong đó Nghị quyết 653 phải ban hành mới để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp của giai đoạn sau. Hiện nay, trong chương trình giám sát của Quốc hội cũng đã dự kiến sẽ tiến hành giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây cũng là một nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ tới.

Thứ hai, một trong những đặc điểm của nhiệm kỳ tới là triển khai chính quyền đô thị ở một số địa bàn, trong đó có cả thí điểm và không thí điểm. Đây là việc mới và cũng rất quan trọng, cho nên đề nghị Chính phủ phân công đầu mối theo dõi để kịp thời hướng dẫn và có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc triển khai. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội để kịp thời tháo gỡ và các Nghị quyết quy định đến năm 2023 là Chính phủ triển khai, có bước sơ kết, tổng kết, sau đó để đánh giá, nếu phù hợp thì đề xuất sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật Chính quyền đô thị để thực hiện thống nhất.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý. Đây cũng là một chủ trương rất lớn, được Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần xác định và để triển khai thì sẽ liên quan đến việc sửa đổi nhiều quy định ở trong các luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ sớm xác định lĩnh vực mà phân cấp, phân quyền và rà soát các quy định có liên quan để trong trường hợp cần thiết thì đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật cho phù hợp.

Tán thành với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải bàn kỹ định hướng, phương hướng tổ chức thực hiện như thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, về thể chế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, nhất là những vấn đề rất mới lần đầu tiên được đề cập và cả những vấn đề đã có nhưng được tiếp cận theo quan điểm mới như: cách mạng 4.0, các cơ chế thử nghiệm, phát triển đô thị, kinh tế đô thị… Cùng với đó, cần tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, bao gồm cả các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Để tiếp tục sửa đổi hoàn thiện, bổ sung hệ thống thể chế bao gồm các luật, nghị định, thông tư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải khắc phục 2 khuynh hướng. Một là bảo thủ, sai mà không sửa. Hai là đổ thừa cho cơ chế. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, xu hướng thứ hai này dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta phải nhìn thẳng việc này, đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế gồm có luật, có nghị định, có thông tư, có văn bản hướng dẫn. Cấp nào là phải có trách nhiệm để rà soát để  sửa; phải xác định là sửa cái gì, sửa thế nào. Trong khi hiện nay chúng ta chỉ kêu thôi mà không sửa gì cả.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.

Nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới…, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng. Các luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu./.

Bảo Yến