ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

13/07/2021

Chiều ngày 13/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tại Phiên họp, đề cập về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết việc xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu). Trong đó, tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mưới kiểu mẫu.


Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế xã hội nông thôn, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông thôn  (nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…); thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mưới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực của cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn…

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cở cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ở cấp tỉnh, cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đối với cấp thôn, phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện. Đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm.

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có đối tượng, địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì triển khai là ở nơi nào có địa bàn nông thôn phải làm mới lên, không phân biệt nơi thuận lợi, khó khăn hay đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là nơi nào có hộ nghèo, đối tượng nghèo đều phải triển khai giảm nghèo, chứ không phải chỉ thực hiện ở các xã bãi ngang, ven biển.

Để thực hiện tốt cả 3 chương trình Mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần huy động tổng lực nguồn vốn của Trung ương, địa phương và huy động từ xã hội. Về nội dung chương trình phải tận dụng tối đa các nguyên tắc, quan điểm đã có từ trước đây. Theo đó, xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng và nông dân là chủ thể. Mặt khác, đề nghị tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản mà đã có chương trình. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên trình với Chính phủ, Quốc hội một chương trình phát triển hợp tác xã.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu điều chỉnh lại phạm vi, đối tượng thì chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Đóng góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, có tiêu chí gắn với từng giai đoạn cụ thể.

Khi thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nên xem xét xây dựng ở vùng ngoại ô, vùng quy hoạch và phát triển đô thị như thế nào? Ngoài ra, cần phổ cập giáo dục ở các xã khi xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng cần tính đến yếu tố bảo tồn văn hóa làng xã; xây dựng thôn bản có những tiêu chí cụ thể.

Đồng ý với quan điểm trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp là động lực để xây dựng nông thôn mới và ngược lại. Việc xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống của người dân ngày càng tốt hơn, tiệm cận với đời sồng của người dân đô thị nhưng cũng cần tính đến yếu tố bảo tồn văn hóa làng xã, lịch sử của địa phương.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ ý kiến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ ý kiến: Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sau 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả đạt được để xây dựng chủ trương đầu tư chương trình một cách khả thi nhất trước khi trình Quốc hội xem xét.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Qua các ý kiến thảo luận, đa số ý kiến tán thành với việc tiếp tục chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sao cho phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc cùng lúc thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia nên có thể trùng lắp, chồng chéo nhau. Về vấn đề này, theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là cần có sự tích hợp các mục tiêu, đối tượng, địa bàn nhằm tránh sự chia cắt không hợp lý.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp.

Về nguồn vốn thực hiện chương trình thì cần có sự huy động tổng hợp các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và từ xã hội. Ngoài ra, nên có một ban chỉ đạo quốc gia chung để triển khai 3 chương trình Mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế tiếp thu, xem xét lại kỹ lưỡng sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội khóa XV xem xét trong kỳ họp thứ nhất./.

Bích Lan - Bùi Hùng