ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN KIẾN NGHỊ, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

18/08/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 2, ngày 18/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

 

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đảm bảo thực hiện có hiệu quả

Báo cáo về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh: Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ nhất bằng hình thức phù hợp, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức tiếp xúc cử tri bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình của địa phương để thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Qua tập hợp báo cáo, cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất. Quốc hội, Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ để hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp, đặc biệt Quốc hội nhất trí rất cao quyết định bổ sung nội dung về phòng chống dịch Covid-19 trong Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất. Cử tri hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khẳng định đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, luôn đồng hành cùng Chính phủ và hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân.


Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, cử tri đã kiến nghị nhiều nội dung của đời sống xã hội và xử lý các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.  Hiện nay, một số Đoàn đại biểu Quốc hội đang tiếp tục triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri và tổng hợp kiến nghị cử tri báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về tình hình kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 11 đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, 471 kiến nghị liên quan đến việc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật; 281 kiến nghị liên quan đến việc tổ chức thực hiện pháp luật và 55 kiến nghị liên quan đến những vấn đề khác. Nội dung kiến nghị của cử tri tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; cải cách tiền lương; chính sách đối với người có công; về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; về miễn giảm thuế cho các tổ chức kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; về an ninh mạng, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản công dân;...

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá, Ban Dân nguyện nhận thấy: Một số Bộ, ngành đã khẩn trương tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đúng thời hạn. Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như thực hiện những giải pháp để phòng, chống dịch bệnh… mà cử tri nhiều địa phương quan tâm kiến nghị đã được các Bộ, ngành tiếp thu, giải quyết trong quá trình xây dựng chính sách, quản lý điều hành.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nhưng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn được các cơ quan nhà nước duy trì và đảm bảo thực hiện có hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo thực hiện tốt quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền đã có sự quan tâm giải quyết đơn thư do các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến.

Việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư của công dân phải được báo cáo định kỳ hàng tháng

Tại Phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác dân nguyện, công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân nên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hàng tháng dựa trên báo cáo về các nội dung như: tổng hợp đề xuất, kiến nghị của cử tri; tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, đơn thư kiến nghị của công dân… Ngoài ra, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cho rằng, Ban Dân nguyện cũng cần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao liên quan đến việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất quan điểm Ban Dân nguyện báo cáo hàng tháng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, tố cáo của công dân. Đồng thời cũng cần làm rõ chức năng, nhiệm của Ban Dân nguyện trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội.

Ngoài ra, Ban Dân nguyện còn có chức năng chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Tổng hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Ban Dân nguyện không có chức năng giám sát việc thực hiện giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Đồng thuận với chủ trương là hàng tháng Ban Dân nguyện phải có báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cao nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lại cho rằng, nội dung báo cáo hàng tháng của Ban Dân nguyện cần phải bám sát các nội dung của cử tri gửi đến. Ví dụ, trong tháng, Ban Dân nguyện tổ chức tiếp công dân như thế nào, kết quả tiếp nhận đơn thư tố cáo gửi lên các Ủy ban, các cơ quan và tình hình giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đó đến nay ra sao...?


Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm.

Khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thì việc giải quyết các vụ việc, vấn đề gắn liền với đời sống của nhân dân càng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc hàng tháng có một báo cáo về quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân là rất quan trọng và cần thiết. Theo đó, báo cáo nên là sự tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, đơn thư của nhân dân trong một tháng đó gồm những nội dung chính gì? Những ngành, địa phương nào nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất để từ đó làm cơ sở cho các cơ quan phân tích, đánh giá và giải quyết cụ thể.

Tại phiên họp, đại diện Thanh tra Chính phủ thống nhất với các đề xuất nêu trên. Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nên thực hiện dứt điểm các vụ việc. Báo cáo về công tác tiếp nhận đơn thư của công dân nên được thực hiện thường xuyên, tăng cường sự giám sát nhiều hơn nữa đối với các vụ việc phức tạp kéo dài. Thanh tra Chính phủ cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ với Ban Dân nguyện, các Ủy ban của Quốc hội trong giải quyết các vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất với đề xuất của Ban Dân nguyện được đề ra trong báo cáo về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Trước tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài, hiện còn đến hơn 500 vụ việc phức tạp, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là một bước để tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát tối cao. Từ nay, công tác dân nguyện, công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hàng tháng chứ không phải chỉ đến kỳ họp Quốc hội mới xem xét. Từ đó, kiên trì từng ngày, từng tháng để tạo ra được sự chuyển biến căn cơ trong công tác dân nguyện.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần có sự chuyển biến trong việc tiếp nhận, theo dõi giải quyết đơn thư tố cáo của công dân gửi tới Quốc hội. Mỗi tháng, giao cho Ban Dân nguyện tổng hợp và có báo cáo cụ thể để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Thông qua báo cáo thực hiện đơn thư tiếp nhận của công dân cũng có thể quy trách nhiệm đến từng cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện. Điều này sẽ ngày càng giúp cho công tác dân nguyện ngày càng tốt hơn.

Để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo về tình hình, kết quả rà soát, giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm. Mặt khác, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm; sớm gửi Ban Dân nguyện Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng giao cho Ban Dân nguyện tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị thực hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân, có thể thực hiện hàng theo quý hoặc hàng năm. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận tại Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Dựa trên sự chỉ đạo, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đề nghị Ban Dân nguyện bám sát vào các chức năng, nhiệm vụ của mình và hàng tháng có báo cáo về tình hình tiếp nhận, giải quyết đơn thư của công dân cũng như nghiên cứu tổ chức hội nghị Dân nguyện vào 6 tháng hoặc 1 năm/lần.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn với Ban Dân nguyện để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư của công dân gửi đến ngày càng hiệu quả hơn./.

Bích Lan-Minh Thành

Các bài viết khác