THỐNG NHẤT THÀNH LẬP 22 CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ QUÂN KHU VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG; THÀNH LẬP 63 CƠ QUAN CƠ QUAN CẢNH SÁT HÌNH SỰ KHU VỰC

18/08/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 2, chiều 18/8, UBTVQH xem xét việc thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự Quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân; việc bãi bỏ nghị quyết, một số điều của các nghị quyết của UBTVQH về thành lập, giải thể các cơ quan này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.

 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh trình bày Tờ trình

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh cho biết, thay mặt Chính phủ, Bộ Quốc phòng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 02 Nghị quyết: Một là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân. Hai là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ nghị quyết, một số điều của các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.

Đối với nghị quyết về thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự (Cơ quan ĐTHS) Quân khu và tương đương, Cơ quan ĐTHS khu vực trong Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này là cần thiết nhằm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Nghị quyết được xây dựng nhằm quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ về "lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020" và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Phù hợp với các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức cơ quan ĐTHS và các văn bản pháp luật có liên quan; bảo đảm tinh gọn, đồng bộ, phù hợp với đặc thù quân đội, mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự; đáp ứng sự phát triển của Quân đội, tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm xâm hại đến Quân đội.

Mục tiêu của Nghị quyết đảm bảo xây dựng tổ chức bộ máy Cơ quan ĐTHS theo hướng thu gọn đầu mối “tinh, gọn, mạnh”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quân đội, góp phần bảo vệ kỷ luật, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong tình hình mới. 

Đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ nghị quyết, một số điều của các nghị quyết về thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung của dự thảo Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể Cơ quan ĐTHS quân khu và tương đương, Cơ quan ĐTHS khu vực trong Quân đội nhân dân. Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết này bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật, theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Việc xây dựng Nghị quyết quán triệt Kết luận số 16-KL/TW ngày 07/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhằm đáp ứng tính cấp thiết, kịp thời kiện toàn tổ chức, biên chế trong Bộ Quốc phòng. Quá trình xây dựng, ban hành nghị quyết đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020) và Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS.

Mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm rà soát, bãi bỏ một số nghị quyết, một số điều, khoản của các nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành về thành lập, giải thể Cơ quan ĐTHS quân khu và tương đương, Cơ quan ĐTHS khu vực trong Quân đội nhân dân không còn phù hợp, đảm bảo tinh gọn, tính minh bạch của hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra

Thẩm tra nội dung này tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể Cơ quan ĐTHS trong Quân đội nhân dân là cần thiết, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời, phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 25 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn hoạt động của Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhận thấy nội dung sắp xếp, tổ chức lại Cơ quan ĐTHS trong Quân đội nhân dân đã được báo cáo và có kết luận của cấp có thẩm quyền từ tháng 9/2018, nhưng đến nay Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là còn chậm so với yêu cầu.

Về hồ sơ kèm theo Tờ trình và dự thảo các nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, cơ bản hồ sơ Tờ trình đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về tên gọi của 02 nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí với tên gọi của Nghị quyết thứ nhất là “Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân”; đề nghị chỉnh sửa ngắn gọn và chính xác hơn tên Nghị quyết thứ hai, cụ thể: “Nghị quyết về việc bãi bỏ các quy định về thành lập Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hình thức văn bản của 02 dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình của Chính phủ chưa đúng với thể thức văn bản theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng chưa dự kiến thời điểm có hiệu lực thi hành. Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện 02 dự thảo Nghị quyết nêu trên. Đồng thời, các cơ quan cũng thống nhất đề nghị thời điểm có hiệu lực thi hành của cả 02 Nghị quyết là ngày 01/11/2021 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện.

Về đề nghị ban hành các nghị quyết theo trình tự thủ tục rút gọn, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành 02 Nghị quyết theo trình tự thủ tục rút gọn và ban hành đồng thời 02 Nghị quyết vào cùng thời điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự phối hợp với quy trình, trình tự chặt chẽ; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về 02 dự thảo Nghị quyết. Theo nội dung của 02 dự thảo Nghị quyết, sẽ thành lập 22 Cơ quan ĐTHS quân khu và tương đương, trong đó có 21 Cơ quan là giữ nguyên, chỉ thành lập mới 01 Cơ quan ĐTHS cấp quân khu (trên cơ sở hợp nhất 10 cơ quan cũ). Đối với Cơ quan cảnh sát hình sự khu vực, thành lập 63 Cơ quan, trong đó 62 Cơ quan cũ, thành lập 01 Cơ quan mới (trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất 02 Cơ quan cũ); giải thể 02 Cơ quan ĐTHS khu vực. Sau khi sắp xếp, tổng số hệ thống sẽ giảm từ 98 Cơ quan xuống còn 86 Cơ quan (giảm được 12,25% số Cơ quan).

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, để giảm được số lượng các Cơ quan này cần phải bãi bỏ một số quy định trong 04 Nghị quyết đã ban hành trước đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với hình thức ban hành các nghị quyết, nghị quyết về thành lập, giải thể thuộc hình thức nghị quyết cá biệt; nghị quyết về bãi bỏ các nghị quyết cũ thuộc hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết

Tại Phiên họp, thống nhất với những nội dung trong các dự thảo Nghị quyết và những vấn đề bổ sung, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua 02 dự thảo Nghị quyết, cụ thể: “Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân” và  “Nghị quyết về việc bãi bỏ các quy định về thành lập Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”./.

Hồ Hương- Minh Thành

Các bài viết khác