HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI)

13/09/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 3, sáng ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

 

Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật kinh doanh bảo hiểm đồng thời đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, chu đáo, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luât. Các nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những bất cập của quy định hiện hành, bổ sung nhiều vấn đề mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Cũng tại phiên họp, một số ý kiến khác đề nghị cơ quan soạn thảo: Tiếp tục rà soát để có thể thể chế hóa một cách tối đa các chủ trương của Đảng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp tục rà soát xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo bất cập với các luật khác; Nội luật hóa các cam kết quốc tế một cách phù hợp và lường trước các vấn đề phát sinh; Cân nhắc về thời gian có hiệu lực của luật vào tháng 7/2023 theo hướng rút ngắn thời gian để luật sớm có hiệu lực thi hành;…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự...

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm, đồng thời đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, chu đáo, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luât. Các nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những bất cập của quy định hiện hành, bổ sung nhiều vấn đề mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến: Áp dụng pháp luật (Điều 3); Về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; Về hợp đồng bảo hiểm;… 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo: Tiếp tục rà soát để có thể thể chế hóa một cách tối đa các chủ trương của Đảng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp tục rà soát xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo bất cập với các luật khác; Nội luật hóa các cam kết quốc tế một cách phù hợp và lường trước các vấn đề phát sinh; Cân nhắc về thời gian có hiệu lực của luật vào tháng 7/2023 theo hướng rút ngắn thời gian để luật sớm có hiệu lực thi hành;…

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải tổng kết thực tiễn, áp dụng kinh nghiệm quốc tế; tiếp tục rà soát tổng thể, kỹ lưỡng các quy định tại dự thảo liên quan đến: Chính sách phát triển kinh doanh bảo hiểm; Về hợp đồng bảo hiểm; Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;... Nghiên cứu cụ thể hóa các chính sách phát triển bảo hiểm, Chiến lược tài chính vi mô;..

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ, Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thẳng thắn bao trùm nhiều vấn đề lớn của dự án luật; Dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu, Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Minh Hùng