ĐƯA THANH HÓA TRỞ THÀNH MỘT CỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CỦA KHU VỰC VÀ CẢ NƯỚC

16/09/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 3, sáng 16/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

 

Tại Phiên thảo luận báo cáo dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước. Dự thảo Nghị quyết đề cập tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa phải bảo đảm tính tương đồng với các chính sách của một số thành phố lớn khác trong cả nước.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được bố cục thành 08 Điều, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Quản lý đất đai; Điều chỉnh quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị; Quản lý, sử dụng rừng; Tổ chức thực hiện; Hiệu lực thi hành.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa (Nghị quyết 58) đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc.

Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, đa số ý kiến nhất trí cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền.  

Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là đúng thẩm quyền. Về quan điểm chỉ đạo, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị việc xây dựng cơ chế cần quán triệt thêm một số nguyên tắc, quan điểm sau:

Thứ nhất, các quy định về chính sách đặc thù cần thể chế hóa Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và đồng thời phải bảo đảm phù hợp với thực lực, khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Thứ hai, phải phù hợp với thực tiễn, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm hài hòa với các địa phương khác có cùng đặc điểm và địa phương được hưởng cơ chế đặc thù.

Thứ ba, cơ chế đặc thù phải gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, chủ động, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, làm tiền đề để giải phóng mọi nguồn lực  cho phát triển; quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ cơ chế đặc thù.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng: Mặc dù có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng so với các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Dự thảo chưa có cơ chế, chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của miền Trung. Vì vậy, về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đề xuất mang tính sáng tạo, tránh rập khuôn. Cần chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù về kinh tế, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa… để tạo tiền đề cho Thanh Hóa giữ được vị trí là tỉnh có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất cả nước và tiếp tục phát triển năng động, bền vững trong những năm tiếp theo.

Phát huy tiềm năng của tỉnh Thah Hóa; cần cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế 

Với báo cáo dự thảo và thẩm tra Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa như trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các nội dung quan trọng như: phạm vi, quy mô của các cơ chế, chính sách; quản lý đất đai và quy hoạch; quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; các giải pháp để thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng...

Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần ban hành Nghị quyết và cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần rà soát về tổ chức bộ máy biên chế, thủ tục hành chính để có đề xuất phù hợp để phát triển tỉnh tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Các thành viên cũng đề xuất ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, trong phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp ý, cần cân nhắc quy định Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên. Một số ý kiến tán thành việc giao Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển đổi đối với diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhưng chỉ trong phạm vi diện tích hiện đang thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giao Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha đến dưới 50ha. Còn từ 50ha trở lên thì phải thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định hiện hành.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thanh Hóa tại Phiên thảo luận.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai nên cần chú trọng để phát triển tiềm năng đó. Tỉnh Thanh Hóa có khát vọng, tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thậm chí là một trong những tứ giác phát triển.

Việc Chính phủ trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy. Vì thế, căn cứ vào nhu cầu thực tế của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa nên rà soát về tổ chức bộ máy biên chế, thủ tục hành chính để có đề xuất phù hợp phát triển tỉnh tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Nghị quyết quy định rộng hơn như trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ. Đó là xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa.

Về chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý về việc trình Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh Thanh Hóa có thể nghiên cứu thêm thuế nhà ở, vì thuế này gắn với chính quyền địa phương. Tỉnh Thanh Hoá có thể đi đầu thí điểm, sau này có thể áp dụng cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đưa đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng ý với đề xuất của Chính phủ là để khuyến khích, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; đồng thời, tạo nguồn lực bổ sung cần thiết cho tỉnh Thanh Hóa chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Nghi Sơn thì việc để lại nguồn thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn từ là cần thiết.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đóng góp ý kiến.

Cho rằng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đều đầy đủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất và cơ bản đồng thuận với dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến và kỳ vọng rằng, tỉnh Thanh Hóa cần thêm sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển so với lợi thế, tiềm năng của mình.

Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Để tăng nguồn lực phát triển tỉnh Thanh Hóa, đạt được mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép tỉnh Thanh Hóa mức dư nợ được vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, tăng lên 20% so với các thành phố đã cho phép. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm cụ thể do Quốc hội quy định. Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao... để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Về thu tiền sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề thuế liên quan đến nhà hoặc thí điểm vấn đề cơ chế này. 

Liên quan đến vấn đề cho phép thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trước khi ban hành cần đánh giá tác động đảm bảo hiệu quả, không gây ra những phản ứng tiêu cực; cân nhắc thêm việc tăng giảm phí phù hợp với thực tiễn và tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu Kết luận nội dung Phiên thảo luận.

Về việc Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa được thiết kế chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, Phó Chủ tịch Quốc Nguyễn Đức Hải hội nhấn mạnh phải theo trình tự do Thủ tướng Chính phủ quy định ủy quyền để kiểm soát nguyên tắc, điều kiện cần thiết khi chuyển đổi mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống nông dân. Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa được thực hiện phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định ủy quyền để đảm bảo tính khả thi. Việc phân cấp gắn với trách nhiệm cụ thể cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, an ninh, trật tự xã hội, tránh thất thoát lãng phí.

Về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh cần bảo vệ nghiêm ngặt để chống chống lũ lụt, bảo vệ môi trường nên cần quản lý chặt chẽ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi phải đúng quy định, lưu ý ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này; đồng thời xin Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những trường hợp vượt quy định hiện nay đối với các trường hợp có liên quan.  

Nội dung của Nghị quyết cũng lưu ý việc tạo cơ chế về kinh tế xã hội phải gắn liền với củng cố an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, về áp dụng pháp luật, đây là cơ chế đặc thù, vượt các quy định của luật, Quốc hội cho các thành phố thí điểm, thống nhất với tờ trình của Chính phủ như điều 2 dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này với luật, với Nghị quyết khác sẽ áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hơn Nghị quyết này sẽ áp dụng theo quy định của văn bản đó. Nguyên tắc này phù hợp với Nghị quyết thí điểm của Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trước đó.

Về hiệu lực thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất áp dụng từ 01/01/2022 và thực hiện trong 5 năm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết. Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 2 tới đây./.

Bích Lan-Minh Hùng

Các bài viết khác