Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tóm tắt Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết của Đoàn giám sát gồm 06 phần, xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn giám sát; phân công, tổ chức công việc của Đoàn giám sát; kế hoạch triển khai hoạt động giám sát và việc tổ chức thực hiện.
Về mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát chuyên đề, Dự thảo Kế hoạch đã xác định rõ 03 mục đích, 02 yêu cầu của hoạt động giám sát. Theo đó, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 là nhằm các mục đích sau đây: Xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021; Rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 – 2030. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030; kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, phân loại đô thị, việc sắp xếp ĐVHC cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn...) và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo
Về nội dung giám sát, tập trung vào 04 nội dung chính. Cụ thể: Tình hình thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021; Kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021; Đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá tính hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp ĐVHC; Các bài học kinh nghiệm, cách làm hay, có hiệu quả trong việc xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp ĐVHC, vận động, thuyết phục Nhân dân đồng thuận với phương án sắp xếp, lựa chọn tên gọi của ĐVHC; các kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện phương án sắp xếp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Về phương thức giám sát, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở bám sát các mục đích, yêu cầu của chuyên đề giám sát, Đoàn giám sát đã xây dựng 09 dự thảo Đề cương báo cáo để định hướng cho việc tổ chức giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và làm cơ sở cho các đối tượng chịu sự giám sát, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo, bao gồm: Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; Đề cương báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát (bao gồm: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở 45 địa phương đã thực hiện việc sắp xếp ĐVHC).
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí với Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá đề cương chuyên đề đã bám sát Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; bám sát các văn bản pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Báo cáo tóm tắt Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát chuyên cơ bản đảm bảo chất lượng tốt. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về các cơ sở pháp lý, đã có Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo được các việc sau: sau khi sáp nhập phải tinh giản được biên chế, tinh giản được đầu mối và đi liền với tiết giảm chi phí về ngân sách; phải nâng cao được năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Đồng thời phải đánh giá các chỉ số về vấn đề cải cách hành chính, vấn đề về hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công ở cấp xã, phường, thị trấn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng lực hoạt động bộ máy hành chính địa phương của chúng ta.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương chi tiết; đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo trước khi ký ban hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, ngoài những vấn đề chung về phương pháp luận và phương thức hoạt động, cần lưu ý về tính toán thời gian, xác định trọng tâm, trọng điểm, hướng dẫn đề cương cho khối địa phương, triển khai cụ thể của các đoàn về giải quyết các mối quan hệ trong quá trình giám sát. Các địa phương phải có đề án đảm bảo được qua thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính thì có tinh giản đầu mối biên chế và giảm chi phí; sắp xếp đơn vị hành chính có nâng được năng lực và hiệu lực của bộ máy chính quyền địa phương?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần lưu ý thêm những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình sắp xếp; đảm bảo sự phù hợp của hệ thống các tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chức chính quyền của trung ương và địa phương, sự tăng cường của trung ương với địa phương. Tiếp tục làm rõ việc, sau sắp xếp các đơn vị hành chính, định hướng, quy hoạch, tổ chức biên chế và quy hoạch cán bộ thế nào? Thực hiện chính sách với cán bộ dôi dư ra sao? Đồng thời, cần rà soát, đánh giá kỹ hiệu quả của các nội dung liên quan, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra được bài học kinh nghiệm để từ đó có những kiến nghị cho phù hợp trong các giai đoạn tiếp theo./.