THÔNG QUA GIÁM SÁT: TẠO CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

22/09/2021

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 22/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát

Trình bày Báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, căn cứ vào Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, dự thảo Kế hoạch đã xác định rõ mục đích giám sát nhằm: Xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát và một số cơ quan có liên quan; Đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn và công tác tổ chức thực hiện. Kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các quy định trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo;….

Về nội dung giám sát được tập trung vào 04 nhóm nội dung chính: (1) Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ quan, người có thẩm quyền; (2) Tình hình, kết quả thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; (3) Đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong thực hiện các nội dung tại điểm (1) và (2) nêu trên; (4) Các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật về hình thức như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Bộ luật tố tụng: dân sự, hình sự, hành chính và các quy định của pháp luật chuyên ngành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Về phương thức giám sát, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cũng nêu rõ, Đoàn giám sát đã xây dựng 09 dự thảo Đề cương báo cáo (kèm theo các mẫu bảng biểu, phục lục số liệu, thông tin chi tiết) căn cứ vào mục đích, yêu cầu và nội dung giám sát để làm cơ sở định hướng giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và đề nghị các đối tượng chịu sự giám sát, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo.

Đề cương báo cáo đặt ra các yêu cầu với nội dung đánh giá chung, tùy vào từng đối tượng chịu sự giám sát, theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của từng cơ quan, đề cương cũng có những yêu cầu đánh giá bổ sung. Trong đó, dự thảo đề nghị các cơ quan tập trung báo cáo các nội dung: (1) Kết quả công tác ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; (2) Kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (3) Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp;  (4) Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; (5) Giải pháp, kiến nghị.

Tạo chuyển biến căn bản trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là 1 trong những chuyên đề giám sát quan trọng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Công tác chuẩn bị xây dựng chuyên đề được tiến hành từ sớm, trải qua nhiều lần góp ý, cho ý kiến. Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được  Đoàn giám sát chuyên đề chuẩn bị công phu, chất lượng tốt.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nội dung của Đoàn giám sát liên quan đến nhiều cơ quan của Quốc hội, cơ quan Tư pháp, cơ quan của Chính phủ. Do đó, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đoàn giám sát và các cơ quan có liên quan. Trong công tác xây dựng kế hoạch đề cương cần phát huy được thế mạnh của từng cơ quan liên quan và có công tác phối hợp chặt chẽ.

Nhấn mạnh tính chất, tầm quan trọng của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả của Đoàn giám sát phải trả lời cũng như lý giải rõ vì sao công tác giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp trong đó có nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài, …. Lý giải nguyên nhân chủ quan/khách quan mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng công tác tiếp công dân vẫn chưa đi vào nề nếp?

Ngoài việc quan tâm 1 cách toàn diện các nội dung giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thông qua Đoàn giám sát lần này phải hình thành được dữ liệu ban đầu cho việc cung cấp cơ sở dữ liệu về khiếu nại tố cáo sau này; có sự phân loại theo từng lĩnh vực, địa bàn, mức độ quan trọng của từng vụ việc;… Đồng thời, qua giám sát cũng phải chỉ ra được những nơi làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; nơi nào còn yếu kém.

“Kết quả của cuộc giám sát phải kiến nghị được cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rõ vấn đề ràng buộc trách nhiệm, thời hạn giải quyết những vụ việc cụ thể. Đối với 1 số vụ việc phức tạp phải chọn ra để các cơ quan liên ngành giải quyết; không để tồn đọng các vụ việc kéo dài. Phải có những kiến nghị, đề xuất hết sức cụ thể; tạo chuyển biến căn bản, bước đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…..” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát quan trọng, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, liên quan đến nhiều cơ quan cả lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng cũng là nội dung được Đảng Nhà nước rất quan tâm, nhân dân kỳ vọng, … Vì vậy, việc xác định rõ mục đích, yêu cầu là cơ sở để Đoàn giám sát đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Cơ bản thống nhất với nội dung tại dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát lưu ý tiếp thu và hoàn thiện một số nội dung: Thứ nhất, chú ý trả lời cho được vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc nổi cộm, đông người mặc dù các quy định của pháp luật rất là chặt chẽ, đầy đủ. Thứ hai, là xác định cho được trọng tâm là xung quanh việc quản lý đất đai, tài nguyên môi trường. Thứ ba, yêu cầu Thường trực Đoàn Giám sát thiết lập mẫu biểu đề cương để có chỉ dẫn làm cơ sở xây dựng dữ liệu ban đầu cho việc cung cấp cho cơ sở dữ liệu về khiếu nại tố cáo sau này (phân loại rõ trong lĩnh vực, địa bàn, mức độ quan trọng;..);

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát trong quá trình tổ chức triển khai phải chỉ ra nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt và phải kiến nghị cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về trách nhiệm, xác định thời hạn giải quyết các vụ việc phức tạp; lựa chọn một số vụ việc phức tạp để phối hợp các cơ quan có liên quan tập trung giải quyết triệt để, không để tồn đọng vụ việc kéo dài;…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, nội dung giám sát là lĩnh vực rộng liên quan đến nhiều cơ quan. Vì vậy, Đoàn giám sát cũng cần phải giải quyết tốt mối quan hệ với các cơ quan; phối hợp chặt chẽ nhằm tạo hiệu quả tốt nhất trong quá trình giám sát; tạo chuyển biến căn bản, ban đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Lê Anh - Minh Thành

Các bài viết khác