TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

11/10/2021

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 4, sáng 11/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã trình bày cụ thể nội dung các dự thảo báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.

08 nhóm vấn đề cử tri và nhân nhân quan tâm

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nêu lên 8 nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Cụ thể trong các lĩnh vực: triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế năm 2021; các chính sách xã hội và an sinh xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng về thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, Trung ương đã đưa ra các quyết sách quan trọng tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo Báo 

Cử tri và Nhân dân bày tỏ cảm nhận sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ và sáng kiến pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Đánh giá cao Đảng và Nhà nước đã kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; quyết định chi viện lực lượng tuyến đầu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch; đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên…nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày đêm bám địa bàn, bám dân, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Cử tri và Nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động,…để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt sẽ có hệ lụy về lâu dài… Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, nhiều hoạt động thiện nguyện, thiết thực giúp đỡ người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong Nhân dân. Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu…

100% kiến nghị của cử tri được trả lời

Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đã được trả lời 100%. Cử tri tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trong lúc dịch bệnh Covid - 19 bùng phát lan rộng, Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch. Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát, cụ thể: Quốc hội giám sát tối cao 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 02 chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế; về an sinh xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp và Nhân dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình tại phiên họp

Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cũng nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về thực hiện chính sách đối với người có công; về an sinh xã hội; về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; về y tế, giáo dục; về tài chính và đầu tư; về sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường; về lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải; về tài nguyên và môi trường; tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ, công chức; về quốc phòng, an ninh trật tự; thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Quốc phòng, Công an và Thanh tra Chính phủ đã tích cực, nghiêm túc trả lời các kiến nghị của cử tri đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đôn đốc, giải quyết

Liên quan đến kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, căn cứ vào Nghị quyết, Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã triển khai, tổ chức giám sát tại 05 địa phương; đề nghị 04 bộ ngành trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến.

Nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm giải quyết và phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH trong việc tiếp công dân, xem xét, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhất là việc giải quyết một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Một số vụ việc có kiến nghị giải quyết cụ thể của Quốc hội, ĐBQH đã được các cơ quan ở Trung ương chủ động yêu cầu địa phương giải quyết hoặc phối hợp tổ chức đoàn liên ngành để rà soát, xác minh lại vụ việc và chỉ đạo giải quyết theo kiến nghị giám sát.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham mưu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan vẫn còn một số hạn chế như: việc thông báo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn còn chưa kịp thời; việc ban hành văn bản trả lời của một số cơ quan còn không đúng về hình thức, thẩm quyền và nội dung trả lời không đầy đủ thông tin; một số vụ việc cụ thể có kiến nghị từ các kỳ trước còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết.

Tiếp tục hoàn thiện các báo cáo

Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung của các dự thảo báo cáo đã bước đầu tập hợp, tổng hợp được các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tuy còn thiếu nội dung báo cáo của một số cơ quan và 63 đoàn ĐBQH; cho rằng các dự thảo báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021 cần được tiếp tục gia cố, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến

Góp ý cụ thể về Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đặt trong bối cảnh tình hình diễn biến và những hệ lụy của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại nước ta, các Báo cáo trình ra tại Quốc hội trong Kỳ họp tới sẽ được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm và đặc biệt theo dõi. Bởi vậy, trong quá trình tổng hợp xây dựng và hoàn thiện báo cáo, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, thận trọng cân đối những nội dung cử tri đánh giá tích cực và những nội dụng cử tri bày tỏ lo lắng sao cho hài hòa, khách quan những cũng phải khơi được niềm tin trong nhân dân.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Báo cáo của của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phản ánh rõ thêm các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề phát sinh trong đại dịch: những cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử; chiến dịch chống dịch ở một số địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng… Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần phải phân tích rõ hơn về các 6 kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của được nêu trong dự thảo Báo cáo này.

Về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cơ bản tán thành với các nội dung trong báo cáo, tuy nhiên cần bổ sung thêm nội dung về công tác tiếp công dân của các cơ quan hành pháp, tư pháp, Ủy ban nhân dân các địa phương. Đồng thời đề nghị Ban Dân nguyện có văn bản để nhắc nhở các Đoàn ĐBQH gửi báo cáo sớm đúng quy định, để đảm bảo tổng hợp đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện tiếp thu, phối hợp chặt chẽ hơn để khẩn trương hoàn thiện các dự thảo báo cáo này càng sớm càng tốt. Chỉ còn ít ngày nữa là khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, trong đó có Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp trung thực, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân; bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ giao Theo Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công điện đôn đốc 63 Đoàn ĐBQH hoàn thiện các báo cáo cho kịp thời, gửi cho các cơ quan sớm tổng hợp và hoàn thiện./.

Thu Phương – Minh Thành

Các bài viết khác