DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO HẢI PHÒNG, NGHỆ AN, THỪA THIÊN HUẾ ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRÌNH QUỐC HỘI KHÓA XV TẠI KỲ HỌP THỨ 2

11/10/2021

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/10

Tham dự Phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng Nguyễn Văn Tùng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương, cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ các Vụ, Viện và cơ quan có liên quan.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày các Báo cáo tóm tắt thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày các Báo cáo tóm tắt thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho rằng, đối với 3 địa phương nêu trên, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cần quán triệt một số nguyên tắc, quan điểm sau:

Thứ nhất, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW); không làm tăng bội chi NSNN và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định;

Thứ hai, cơ chế đặc thù phải thể chế hóa tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tính năng động, sáng tạo của từng địa phương. 

Về thẩm quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là đúng thẩm quyền. Về hồ sơ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, các hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự thảo các Nghị quyết đã đủ điều kiện trình Quốc hội hay chưa, đồng thời cho ý kiến về việc bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 về 3 dự thảo Nghị quyết này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Về thể chế hóa chủ trương của Đảng, cả 3 địa phương đều có chủ trương của Bộ Chính trị cho phép xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 3 dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Bộ Chính trị hay chưa?

Về các nội dung cụ thể của 3 dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhóm thứ nhất đang thực hiện thí điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang thí điểm gồm:

(1) Các địa phương được tăng thêm mức dư nợ vay, do đó Thừa Thiên Huế đề nghị tăng mức dư nợ vay không quá 40%, Hải Phòng không quá 60%, Nghệ An không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp;

(2) Được hưởng một phần thu nguồn thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất của các đơn vị trung ương quản lý;

(3) Được quy định thêm danh mục phí, lệ phí, nâng mức thu một số phí, lệ phí và ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu phí và lệ phí của ngân sách tăng thêm;

(4) Các địa phương được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; (5) các địa phương được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 hecta;

(6) Các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức, quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, các nhà khoa học, tài năng đặc biệt…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ, tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để trình Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại tỉnh Thanh Hóa với 5 nội dung như trên, còn nội dung thứ 6 thì tỉnh Thanh Hóa không đề nghị.

Nhóm thứ 2, các nội dung trước đây chưa áp dụng thí điểm ở các tỉnh, thành phố nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để trình Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm đối với tỉnh Thanh Hóa gồm: (1) Địa phương được tự chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; (2) Hàng năm được bổ sung một phần số tăng thu từ các khoản thu phân chia, từ hoạt động xuất nhập khẩu; (3) Địa phương được điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng.

Nhóm thứ 3, các nội dung, các địa phương đề nghị thí điểm xuất phát từ nhu cầu địa phương và để đáp ứng yêu cầu phát triển theo chủ trương của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực trùng tu, bảo tổn di sản văn hóa. Thành phố Hải Phòng đề nghị triển khai xây dựng Khu thương mại tự do.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần làm rõ sự cần thiết, căn cứ pháp lý, cơ chế đặc thù, thẩm quyền thể hiện như thế nào trong Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ tình của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đề cập đến Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu của Thừa Thiên Huế là phấn đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã có từ rất lâu và báo cáo Bộ Chính trị. Tuy nhiên, do một số điều kiện về hạ tầng mà Thừa Thiên Huế chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy địa phương đã nghiên cứu kỹ và trình lại Bộ Chính trị xem xét. Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết cho phép Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương, có những tiêu chí và đặc thù riêng. Với định hướng phát triển thành phố di sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là điểm độc đáo và sáng tạo của Thừa Thiên Huế, cần đặt vấn đề nghiên cứu: thế nào là thành phố di sản, và để trở thành thành phố di sản, Thừa Thiên Huế cần làm gì? Do thí điểm thực hiện nên Chủ tịch Quốc hội cho rằng không cần chờ hết 5 năm, thực hiện đến đâu cần chắc đến đó, không nên lùi lại thời gian. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có thể trình Quốc hội.

Đối với thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW cho Hải Phòng, tầm nhìn để trở thành thành phố đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của khu vực, của cả nước, năng động, hiện đại với 3 trụ cột: kinh biển, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo và logistics. Liên quan đến việc thành lập Khu kinh tế thương mại tự do, xây dựng, phát triển Hải Phòng thành thành phố đi đầu cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cữu kỹ lưỡng vấn đề này, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị xem xét, quyết về chủ trương trước, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, đa số đại biểu tập trung cho ý kiến về Khu thương mại tự do, và nhận thấy, đề xuất của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên các ý kiến cho rằng, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Do vậy, đa số ý kiến đồng tình với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và đề nghị trước mắt chưa quy định nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện Đề án, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền. Để bảo đảm đúng thẩm quyền và kịp thời thực hiện các mục tiêu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trong Dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Chính phủ lập Đề án, xác định rõ phạm vi địa lý, mô hình quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến tại Phiên họp

Đối với tỉnh Nghệ An, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, về phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch, cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, đây là mức dư nợ vay hợp lý. Việc nâng mức trần vay từ 20% lên 40% sẽ góp phần tạo dư địa để tỉnh Nghệ An huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong điều hành vay nợ, có ý kiến đề nghị bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách địa phương (NSĐP) và phù hợp với tổng mức bội chi NSNN được Quốc hội quyết định hằng năm, không làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác.

Căn cứ vào các nội dung tại Tờ trình, có ý kiến cho rằng, các chính sách được đề xuất về căn bản chưa thực sự mang tính đột phá; chưa có cơ chế thu hút đầu tư mạnh mẽ, huy động các nguồn lực tổng thể; thiếu các chính sách liên quan đến bộ máy, tổ chức, biên chế... Vì vậy, các đại biểu đề nghị, về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đề xuất mang tính đột phá, sáng tạo, trong đó có chính sách về đầu tư, tổ chức bộ máy, biên chế, thủ tục hành chính… nhằm tạo tiền đề khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, sớm đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, các ý kiến thảo luận cho rằng, mặc dù có những thế mạnh đặc thù, song về cơ bản, các chính sách của Thừa Thiên Huế được đề xuất áp dụng chưa khác biệt so với các địa phương khác, chưa có cơ chế mới, tương thích với đặc thù của một địa phương có lịch sử, văn hóa riêng biệt. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết chưa có nội dung đặc thù về tiêu chí xếp hạng đô thị để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như quy định tại Nghị quyết 54. Để bảo đảm tính bao quát, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính... để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đề cập Quỹ bảo tồn di sản Huế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết: (1) Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. (2) Chỉ đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. (3) Giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Cũng tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, thành phố Hải Phòng cũng đã giải trình làm rõ một số nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về tăng thu ngân sách, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị cho phép Hải Phòng được hưởng mức tăng thu như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng thống nhất trình Bộ Chính trị chủ trương xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do, nếu Bộ Chính trị cho phép xây dựng Đề án này, Hải Phòng sẽ tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để trình Quốc hội theo chủ trương Nghị Quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sợ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2 và thống nhất bổ sung 3 Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành các Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, thống nhất hồ sợ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2. Đồng thời nhất trí trình Quốc hội cho phép 3 địa phương được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Về mức dư nợ vay, tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, thành phố Hải Phòng không quá 60% tổng mức nợ vay và bội chi ngân sách tỉnh, thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định.

Về việc NSTW bổ sung có mục tiêu và định mức phân bổ chi thường xuyên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thống nhất hàng năm NSTW bổ sung có mục tiêu từ các nguồn tăng thu cho Hải Phòng và Nghệ An như Chính phủ trình nhưng số bổ sung cho 2 địa phương không vượt quá số tăng thu của nguồn thu sử dụng để bổ sung so với thực hiện năm trước và NSTW không bội thu.

Tỉnh Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số theo Nghị quyết số 01 ngày 1 tháng 09 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí và lệ phí trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo hướng, HĐND thành phố Hải Phòng quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí, lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành theo Luật Phí, lệ phí. Ngân sách thành phố Hải phòng được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng toàn bộ phí tham quan di tích trên địa bàn. Nguồn thu của 2 địa phương này được loại trừ khi tính cân đối ngân sách và phân chia các khoản thu giữa trung ương và địa phương như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ xổ số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, việc thí điểm thực hiện chính sách này phải đánh giá kỹ tác động, đảm bảo hiệu quả, có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của các địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ, công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu của cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, HĐND tỉnh Nghệ An được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ, đầu nguồn dưới 50 hecta, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển bảo vệ môi trường… dưới 500 hecta, đất rừng sản xuất dưới 1000 hecta. HĐND tỉnh Nghệ An và HĐND thành phố Hải Phòng được quyết định chuyển đổi đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển đổi theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định để đảm bảo giảm bớt những thủ tục không cần thiết nhưng cũng đảm bảo quyền kiểm soát của Thủ tướng. Việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân. Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm của người được phân cấp, phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Đối với việc chuyển đổi sử đụng dất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hecta trở lên, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển bảo vệ môi trường từ 500 hecta trở lên là thuộc thẩm quyền Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Nghệ An, thành phố Hải Phòng được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Về nguồn thu để lại khi bán tài sản công gắn liền trên đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

Về sử dụng nguồn cải cách tiền lương và tổ chức bộ máy, thành phố Hải phòng tạo nguồn, quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng quy định sau khi đảm bảo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện các nhiệm vụ, chính sách theo quy định cho cả thời kỳ ổn định được sử dụng để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc. HĐND thành phố Hải Phòng được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, các nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố.

Về tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất để có quy định đặc thù với tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa do đặc điểm của các tỉnh này có diện tích rộng, dân số lớn.

Về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế nhưng cần nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh Nghị quyết đảm bảo tính khả thi cho việc huy động các nguồn thu của Quỹ, nhất là việc hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương khác, không được sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ quỹ, cần có những quy định để đảm bảo việc quản lý, sử dụng Quỹ đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính, Ngân sách để hoàn chỉnh các quy định liên quan đến việc thành lập Quỹ.

Về Đề án Khu thương mại tự do, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án, có đề xuất nhằm đảm bảo tính định hướng, tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện Đề án, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Về hiệu lực thi hành, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thực hiện trong 5 năm.

Cũng tại phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 3 Nghị quyết này, giao cho Ủy ban Pháp luật dự thảo Nghị quyết xin ý kiến bằng văn bản đối với các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV.

Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 3 Nghị quyết này

Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 với 3 Nghị quyết này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo các Nghị quyết gửi đến các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức