ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TÁN THÀNH SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.CẦN THƠ

10/12/2021

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, sáng 10/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

 

Toàn cảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Tham dự Phiên họp còn có đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh; Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường…

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là cần thiết

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang – Cần Thơ –  Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của Vùng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng chỉ rõ, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng mặc dù Thành phố đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của Vùng. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã chỉ ra “cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư”, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030 là “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long,…”.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước” và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Rà soát thận trọng 2 nội dung mới của Dự thảo Nghị quyết, quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương

Thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Về thẩm quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đúng thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Về hồ sơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, chi tiết hơn. 

Về việc cho phép TP Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này nhằm góp phần tạo dư địa để TP Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Về quản lý đất đai, quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí như Dự thảo. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giữ nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, do vậy, việc chuyển đổi phải tuân thủ các điều kiện: (1) Lấy ý kiến công khai và được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động của việc chuyển đổi; không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; (2) Không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; (3) Phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đây là 2 nội dung mới bổ sung so với Tờ trình 524/TTr-CP, đồng thời là quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương; cũng là vấn đề liên quan đến nhiều đạo luật, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Đất đai… và đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do vậy, đề nghị Chính phủ đối chiếu, rà soát thận trọng. Đối với những vấn đề khác luật cần báo cáo cụ thể để Quốc hội xem xét, quyết định, đồng thời cần quy định chi tiết trong Dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính tuân thủ về thẩm quyền, tạo căn cứ cho tổ chức thực hiện.

Về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhận thấy: Thứ nhất, Dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, bộ máy quản lý Khu liên kết; quyền hạn, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Thứ hai, cơ chế ưu đãi áp dụng đối với Khu liên kết chưa được quy định cụ thể. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại Khu liên kết là chưa rõ ràng. Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong Dự thảo, dẫn đến việc dẫn chiếu theo Điều 20 của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Quyết định 29/2021/QĐ-TTg) là chưa ăn khớp, khó thực hiện. Việc cho phép mọi dự án đầu tư tại Khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật. Thứ ba, việc giao Thủ tướng quyết định cụ thể các nội dung như trong Tờ trình là chưa hợp lý vì nhiều vấn đề sẽ không thuộc thẩm quyền. Thủ tướng sẽ không thể quyết định các nội dung trái luật.  

Đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Chính phủ đã hết sức khẩn trương chỉ đạo, rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù liên quan trực tiếp đến Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Đến thời điểm này, Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Liên quan đến phạm vi, quy mô của Nghị quyết, mặc dù dự thảo lần này đã có nhiều cố gắng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn đối với những cơ chế, chính sách đặc thù mới để Cần Thơ thực sự trở thành đô thị hạt nhân, địa bàn trọng yếu, chiến lược, đầu tầu, dẫn dắt cả Vùng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đồng tình với đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về 04 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, cũng như luận giải hợp lý của Chính phủ: (1) về quản lý tài chính, NSNN; (2) về quản lý đất đai, quy hoạch; (3) về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; (4) về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Tuy nhiên, để có đủ căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung bổ sung làm rõ và quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi…

Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là vấn đề hoàn toàn mới, quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương, và cho rằng đây là cơ chế ưu đãi đối với một dự án cụ thể là chính sách mang tính thời điểm, nhưng lại có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài, là bước đột phá hợp lý, chấp nhận được.

Đề cập về chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, vùng ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II theo quy hoạch tại Cần Thơ, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng là chưa cao, nhất là trái cây. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp. Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trung tâm liên kết sẽ hình thành là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập đã nêu. Chính sách đặc thù Khu liên kết được hưởng mức ưu đãi đặc biệt cần được quan tâm hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Cho ý kiến về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nội hàm, có thể dùng từ “trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với những ưu đãi về thủ tục hải quan, thủ tục về thuế, thời hạn nộp thuế… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào trung tâm này thì cần thống nhất có ưu đãi cao hơn để đủ hấp dẫn, nhất là nhà đầu tư về chế biến nông sản.

Với những doanh nghiệp đặc biệt lớn có vốn 30 nghìn tỷ trở lên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên chăng các doanh nghiệp này được hưởng một số ưu đãi như tiền thuê đất, ưu đãi thuế doanh nghiệp… và được quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết thì sẽ thuyết phục hơn. Những doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm này có thể hưởng thuế suất ưu đãi ngoài các thuận lợi về hải quan, có cơ chế ưu đãi hơn để đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ cơ chế ưu đãi hơn là gì, tạo thuận lợi thương mại thế nào, cần làm rõ lợi ích của dự án này, quy mô và phạm vi của Dự án thu hút được bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư vào, hàng năm sản xuất, chế biến bao nhiêu nông sản, làm gia tăng giá trị bao nhiêu…

Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể toàn bộ chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào trong Dự thảo Nghị quyết. Nếu chưa cụ thể được mà cấp bách thì xin Quốc hội nghiên cứu chủ trương cơ chế ưu đãi cho việc nạo vét luồng hàng hải Định An - Sông Hậu. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tính toán kỹ huy động nguồn lực thế nào.

Liên quan đến nội dung này, một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ tác động môi trường, có giải pháp khắc phục tác động tiêu cực, tránh tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân như đã xảy ra đối với một số dự án trước đây. Đồng thời cần làm rõ tính kết nối của địa bàn thực hiện Dự án là Cần Thơ với các địa bàn có sông Hậu đi qua để phát huy tối đa hiệu quả, bảo đảm tính hợp lý.

Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được phép thí điểm áp dụng môt số cơ chế, chính sách đặc thù.

Thứ nhất, thành phố Cần thơ được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định.

Thứ hai, thống nhất việc hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ các nguồn tăng thu cho thành phố Cần Thơ như Chính phủ trình nhưng số bổ sung cho các địa phương không vượt quá số tăng thu của nguồn thu sử dụng để bổ sung so với thực hiện năm trước và NSTW không bội thu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Thứ ba, thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo hướng: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (trừ án phí, lệ phí Tòa án).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ngân sách thành phố Cần Thơ được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Nguồn thu này được loại trừ khi tính cân đối ngân sách và phân chia các khoản thu giữa trung ương, địa phương như cơ chế đối với các khoản thu từ đất, thu từ xổ số.

Việc thí điểm chính sách này phải đánh giá kỹ tác động, đảm bảo hiệu quả, không gây tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, có lộ trình phù hợp với trình độ, yêu cầu phát triển của các địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự thống nhất của thị trường không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Thứ tư, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được quyết định chuyển đổi đất trồng lúa nước 2 vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định, việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân. Việc phân cấp gắn với trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Thứ năm, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố Cần Thơ thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kết quả thực hiện.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Thứ sáu, Thành phố Cần Thơ tạo nguồn quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng quy định, sau khi đảm bảo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện các nhiệm vụ chính sách theo quy định thì được sử dụng chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quả 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố. Chính sách này chỉ được thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách.

Thứ bảy, về hai chính sách đặc thù, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu thêm, làm rõ các vấn đề, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các ý kiến tham gia của các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu và làm rõ một số vấn đề trước khi trình Quốc hội.

Về chủ trương cho phép Dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu nhằm phát huy tác dụng của cảng Cái Cùi, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, được áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt theo quy định của Điều 20, Luật Đầu tư. Đề nghị làm rõ tính cần thiết, hiệu quả mang lại, đặc biệt tính khả thi của chính sách, nêu cụ thể các chính sách ưu đãi và tách riêng những nội dung cần trình Quốc hội quyết định, đặc biệt các tiêu chí lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư, đánh giá kỹ tác động môi trường tới biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, đề xuất các giải pháp để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Về việc cho phép thành phố Cần Thơ thành lập khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với một số cơ chế chính sách ưu đãi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần làm rõ mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, quy mô của khu liên kết. Cụ thể các chính sách ưu đãi, tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp vào khu liên kết và các ưu đãi phù hợp với một số chính sách về thuế, tiền thuê đất. Cần đánh giá tác động đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội khi thành lập khu liên kết.

Thứ tám, về áp dụng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này với các luật và Nghị quyết khác thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi thuận lợi hơn Nghị quyết này thì Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định được áp dụng. Về hiệu lực thi hành, Nghị quyết có hiệu lực thi hành theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật và có thực hiện trong 5 năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết để gửi các cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV.

Cũng tại phiên họp, toàn bộ thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật đối với Nghị quyết này để bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức