NGHỊ QUYẾT SỐ 12/2021/UBTVQH15 CỦA UBTVQH CHO PHÉP THỰC HIỆN MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

31/12/2021

Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 31/12, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

--------------------------------

Nghị quyết số: 12/2021/UBTVQH15

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

Về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

--------------------

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV,

 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị quyết này quy định về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm:

a) Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19;

b) Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19;

c) Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19;

d) Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19;

đ) Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19;

e) Bình ổn giá trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19;

g) Chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

2. Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19

1. Trong trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền được phép điều động, huy động những người sau đây tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19:

a) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (bao gồm cả người nước ngoài) được thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 khác với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề;

b) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế được thành lập để thực hiện hoặc được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị người nhiễm COVID-19 (sau đây viết tắt là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19) mà không cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Sinh viên, học sinh, học viên của các trường thuộc khối ngành sức khỏe; người thuộc đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 3. Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

1. Chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập (bao gồm cả tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật) được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó ngân sách nhà nước được thực hiện theo phân cấp như sau:

a) Ngân sách trung ương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do trung ương thành lập, không bao gồm phần ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19;

b) Ngân sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do địa phương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách trung ương hỗ trợ.

2. Ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phân công của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi thanh toán theo quy định từ nguồn ngân sách nhà nước mà cơ sở y tế công lập đã sử dụng từ nguồn tài chính của đơn vị (không bao gồm nguồn tài trợ, viện trợ).

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 4. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19

1. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế công lập được thực hiện như sau:

a) Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

b) Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.

2. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân do chính quyền địa phương cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19 được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này theo mức thanh toán của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 5. Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19

1. Cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19 với một số nội dung chủ yếu sau đây:

a) Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thực hiện bằng việc người hành nghề ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này phối hợp với người hành nghề ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh thông qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác có ứng dụng công nghệ thông tin;

b) Người hành nghề và cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định, thực hiện phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

2. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải được thực hiện bởi người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng thông tin.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết Điều này và việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Điều 6. Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19

1. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19.

2. Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành;

b) Đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt;

c) Được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.

3. Việc cấp giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc mới có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19 (không bao gồm vắc xin) sản xuất ở nước ngoài đã được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành, sử dụng có điều kiện bởi một trong các cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới công bố được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật về dược, Bộ Y tế thẩm định hồ sơ hành chính để cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở thừa nhận kết quả cấp phép của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA); không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật và không phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc theo quy định của Luật dược. Cơ sở đăng ký thuốc chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc;

b) Bộ Y tế kiểm tra, đánh giá về chuyên môn kỹ thuật đối với hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành.

4. Đối với thuốc mới có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19 (không bao gồm vắc xin) sản xuất trong nước nếu có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng với thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19 đã được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành, sử dụng có điều kiện của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) được miễn nộp hồ sơ lâm sàng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành.

5. Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 7. Bình ổn giá trang thiết bị y tế

1. Bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá.

2. Việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 8. Chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19

1. Được hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại.

2. Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch COVID-19 nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian điều trị COVID-19.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Quy định tại các điều 3, 4 và 8 của Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

Vương Đình Huệ

Các bài viết khác