THÔNG BÁO KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ 8 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

28/02/2022

Từ ngày 15-17/02, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 8 để cho ý kiến vào các dự án Luật, việc bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát và xem xét, quyết định một số nội dung theo thẩm quyền. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 723/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thể chế hóa đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng về lực lượng cảnh sát cơ động

Về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan, chủ động, tích cực, cầu thị, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Cơ bản tán thành với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ thêm các nội dung:

Một là, thể chế hóa đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng, nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng Cảnh sát cơ động là phòng, chống bạo loạn và khủng bố, được bố trí ở những địa bàn trọng điểm với các trang thiết bị phù hợp và đảm bảo công tác chỉ huy thống nhất.

Hai là, phân tích làm rõ hơn lý do không quy định điều về “Giải thích từ ngữ”; cân nhắc trường hợp nếu giải thích cụm từ “biện pháp vũ trang”, “sử dụng biện pháp vũ trang” và các khái niệm khác trong dự thảo Luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định cụ thể, rõ ràng, làm rõ nội hàm các khái niệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động

Ba là, rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, khả thi. Quy định rõ hơn về việc huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; việc vào trụ sở cơ quan và nơi ở của cá nhân… bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với pháp luật có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định, tránh việc lạm quyền trong tổ chức thực hiện.

Sửa đổi thêm một số luật để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án chỉnh lý trong dự thảo Luật về: (1) Giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; (2) Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, cơ bản tán thành với các nội dung khác đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật; nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hải quan, Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, cần làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật hoặc kiến nghị giải pháp phù hợp khác để điều chỉnh nội dung này, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của đối tượng được điều chỉnh.

Trình Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương tổ chức soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2022 (dự kiến ngày 10/4/2022); trước đó gửi hồ sơ dự án Luật đến Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội để thẩm tra theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra  đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Trong quá trình soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng với khám bệnh, chữa bệnh; giữa sử dụng thực phẩm chức năng với thuốc trong khám chữa bệnh; quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh, các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám chữa bệnh, nguyên tắc, tiêu chí xác định chi phí khám chữa bệnh, mua sắm, sử dụng, quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; việc khám chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt; tiêu chí của các cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận…; đồng thời, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của chuyên gia để hoạch định chính sách, đề xuất các quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thông lệ quốc tế, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Sẽ công khai chậm trễ gửi báo cáo đến Đoàn giám sát của các Bộ, ngành, địa phương

Về kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai các hoạt động trong thời gian vừa qua của Đoàn giám sát; nhất trí với những nhận xét bước đầu và cơ bản thống nhất với các nhận định trong báo cáo của Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát làm rõ một số vấn đề sau trong quá trình thực hiện giám sát:

Một là, xác định đầy đủ danh mục những văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, làm rõ thời hạn, tiến độ ban hành, chất lượng của các văn bản đã ban hành; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ ban hành các văn bản.

Hai là, làm rõ danh mục các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch, thời hạn hoàn thành từng loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ và và tiến độ thực hiện cho đến nay; nguyên nhân, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch và đánh giá về chất lượng của các quy hoạch.

Ba là, đánh giá việc chấp hành trình tự trong hoạt động quy hoạch theo quy định tại Điều 7 của Luật Quy hoạch.

Bốn là, đánh giá về công tác lập quy hoạch, trong đó lưu ý đến cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch và sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý, tổ chức huy động các nguồn lực từ tài chính, nguồn lực khác để làm quy hoạch (nhân lực, tư vấn…); phương pháp lập quy hoạch, tích hợp quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; đánh giá tổng hợp chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch đến nay, trong đó làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân nào do quy định của Luật Quy hoạch chưa phù hợp (nếu có) hoặc của các văn bản dưới luật, nguyên nhân nào do tổ chức thực hiện, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; tình trạng kế thừa, thực hiện công khai và điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 và quy hoạch thời kỳ mới.

Năm là, về kế hoạch triển khai tiếp theo, đề nghị Đoàn giám sát làm việc với các Bộ trước và chuẩn bị đề cương cụ thể những vấn đề cần thiết cần trao đổi, làm rõ. Đối với tổ chức Đoàn công tác làm việc với địa phương, trong đó cần xem xét việc tiến hành để làm việc không quá 5 địa phương.

Sáu là, đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, khẩn trương có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo bảo đảm nội dung và tiến độ theo đúng yêu cầu của Đoàn giám sát, nếu cần thiết sẽ thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông việc các Bộ, ngành, địa phương chậm trễ gửi báo cáo.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Ban Công tác đại biểu

Về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Ban Công tác đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban nói riêng và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cụ thể. Về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, đề nghị chỉnh lý theo hướng khái quát hơn. Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện các chức năng khác theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp

Đề nghị tiếp tục rà soát, phân định rõ những nhiệm vụ nào do Ban chủ trì, làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ nào là tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan; nhiệm vụ nào là Ban chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành, không chồng lấn với thẩm quyền của các cơ quan khác. Đồng thời, rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu theo hướng khái quát hơn, bám sát các chức năng được giao, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Về tổ chức của Ban Công tác đại biểu và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính đồng bộ với các quy định tương ứng về tổ chức và địa vị pháp lý của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sửa đổi Quy chế làm việc đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Quy chế cần đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước các diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19; cần bảo đảm bao quát đầy đủ các thẩm quyền, nhiệm vụ, hình thức và nội dung hoạt động, quan hệ phối hợp công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong công tác tham mưu, phục vụ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật, nghị quyết có liên quan, Nội quy kỳ họp, văn bản khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được xây dựng, sửa đổi, bổ sung.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp cho ý kiến về việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về phạm vi sửa đổi, kế thừa các quy định còn phù hợp của Quy chế năm 2015, khắc phục các bất cập, vướng mắc về phương thức, cách thức tổ chức công việc đã được tổng kết, nhận diện; đồng thời bổ sung quy trình xử lý các nhiệm vụ, công việc chưa được bao quát đầy đủ trong Quy chế hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về kết cấu của Quy chế, cần bố cục mạch lạc, rõ từng nội dung, thuận tiện cho việc áp dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Văn phòng Quốc hội và ý kiến của Cơ quan thẩm tra về: (1) việc kết hợp hình thức Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, kết luận hoặc Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề được xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến tại phiên họp, bảo đảm đúng pháp luật nhưng linh hoạt, phù hợp với nội dung, tính chất, yêu cầu giải quyết công việc; (2) phạm vi cho ý kiến về việc ban hành nghị định quy định về vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện ban hành luật, pháp lệnh thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (3) xem xét, phê chuẩn đề nghị về bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ theo quy trình hiện hành.

Đôn đốc triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với các nội dung của báo cáo công tác dân nguyện tháng 01/2022 và cho rằng chất lượng báo cáo ngày càng được nâng lên: báo cáo công tác dân nguyện từng bước đi vào nề nếp, tổng hợp được kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền cũng như tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; nêu bật được những kiến nghị, những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Báo cáo cũng nêu rõ được tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; tình hình triển khai kế hoạch của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đã đánh giá được những mặt đã làm được, những điểm còn hạn chế trong việc thực hiện công tác dân nguyện của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện nội dung báo cáo; bổ sung một số nội dung kiến nghị cử tri được tổng hợp từ nhiều nguồn để hoàn thiện Báo cáo và thông tin đến các cơ quan có liên quan biết để triển khai, thực hiện.

Ban Dân nguyện lập danh mục hồ sơ vụ việc thuộc trách nhiệm theo dõi, đôn đốc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2022.

Giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện về tục “bắt vợ” và biến tướng của tục “bắt vợ” của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để đề xuất các cấp có thẩm quyền có giải pháp ngăn chặn, bài trừ, thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành vi của cả cộng đồng.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 02 Nghị quyết: Về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nội dung chi tiết Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8, tháng 2/2022 xem chi tiết tại file đính kèm.

Bảo Yến

Các bài viết khác