CẦN CÓ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ CỤ THỂ TRONG CÔNG TÁC HẬU KIỂM ĐỐI VỚI PHIM PHỔ BIỂN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

23/03/2022

Thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể trong việc hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9

Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, đồng thời đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật Điện ảnh được ban hành.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, bên cạnh các ý kiến đồng tình về việc “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng còn có ý kiến đề nghị tăng cường cơ chế kiểm soát các tài khoản chính danh đang phát hành phim trên không gian mạng. Cùng với đó còn có một ý kiến liên quan đến đối tượng chịu trách nhiệm gỡ bỏ phim trên mạng, quy định việc kiểm tra phân loại phim và quy định thời gian cụ thể gỡ bỏ phim. Đối với các ý kiến trên, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục chỉnh lý, bổ sung quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng. Đồng thời quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim lên mạng phải gỡ bỏ phim vi phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng mạng chỉ có thể ngăn chặn, không gỡ bỏ phim vi phạm được. Cùng với đó bổ sung quy định về thời gian gỡ bỏ phim vi phạm pháp luật tại dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Thay mặt Chính phủ báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý ở từng cấp; trách nhiệm của tổ chức phổ biến phim, trong đó có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt tự động, cảnh báo cũng như công cụ cho người xem phản ánh, thông tin việc vi phạm để cơ quan nhà nước xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ ngăn chăn những vi phạm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và cơ quan thẩm tra thống nhất chỉnh lý, bổ sung quy định về việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng; bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để quản lý, giám hộ trẻ em xem phim phù hợp với lứa tuổi; cung cấp công cụ để người sử dụng dịch vụ phản ánh nội dung phim vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ và cơ quan thẩm tra cũng thống nhất chỉnh lý, bổ sung quy định tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có nghĩa vụ gỡ bỏ phim vi phạm quy định cấm trong vòng 24 giờ kể từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; đồng thời chỉnh sửa, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng về ngăn chặn phim vi phạm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về việc quy định “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hiện nay Việt Nam đang theo cách làm chung là tiền đăng hậu kiểm, tăng cường hậu kiểm, tuy nhiên không phải lĩnh vực nào cũng làm được như vậy.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, có một số bộ phim có những nội dung nói về chính trị phức tạp, nhạy cảm, sau đó mới hậu kiểm, phát hiện xử lý thì việc khắc phục hậu quả rất phức tạp, do đó đề nghị cần cân nhắc việc hậu kiểm của phim phổ biến trên không gian mạng. Nhấn mạnh nguyên tắc chung của dự thảo Luật là tăng cường hậu kiểm, nhưng hậu kiểm có thể dẫn đến việc xảy ra những tác động lan toả rất nhanh, do đó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị phải có quy định những nguyên tắc, tiêu chí trong trường hợp cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Khẳng định việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý vi phạm hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với Điều 26 của Luật An ninh mạng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng dự án Luật nên giao Chính phủ xác định và quy định cụ thể bộ tiêu chí về quy trình, thủ tục để tự thẩm định và phân loại phim và sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm.

Cho rằng các hình thức phổ biến phim phải đáp ứng các điều kiện về quy định và phải được kiểm soát bởi bộ tiêu chí về phân loại để đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể phát hành phim chứ không chỉ kiểm soát với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị nghiên cứu thêm về cơ chế quản lý đối với các hình thức phổ biến phim khác như phổ biến phim trong rạp chiếu phim, phổ biến phim trên hệ thống truyền hình, phim công cộng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt trên không gian mạng đã khác so với trước đây cho nên Luật cũng phải đáp ứng với những đổi mới của thế giới. Ctịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc “tiền kiểm” các bộ phim phổ biến trên không gian mạng là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó cần chuyển sang “hậu kiểm”. Bày tỏ đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu cơ chế để phát hiện, ngăn chặn, khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm (nếu có) đối với việc hậu kiểm phim phổ biến trên không gian mạng.

Chỉ ra những điều cần quy định cho rõ trong Luật, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng Khoản 1, Điều 21: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân phổ biến phim Việt Nam trên không gian mạng”. Trong khi tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo Điều 18 luật này và các quy định a,b,c,d,đ,e,g,h,i; sau đó đến khoản 6 lại quy định: “Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 2, khoản 4 Điều này”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định trong dự thảo Luật như này còn chung chung, chưa rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đồng thời tiếp tục rà soát thật kỹ, khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị bổ sung một số quy định để tăng cường kiểm soát làm cơ sở cho công tác hậu kiểm

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự thảo Luật chỉnh lý theo phương án hậu kiểm là phù hợp với thực tế, xu thế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Để hoàn thiện nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời bổ sung một số quy định để tăng cường kiểm soát làm cơ sở cho công tác hậu kiểm, tránh bỏ sót những nguy cơ ảnh hưởng về chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại./.

Minh Thành

Các bài viết khác