Tại Phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình khẳng định: Cử tri và Nhân dân đánh giá cao phiên chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhiều vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của Nhân dân được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đưa nội dung chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận qua các cuộc giám sát đã thể hiện quyết tâm, trách nhiệm đi đến cùng vấn đề chất vấn và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đã ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng và đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022.
Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng về tình hình mưa lũ trái mùa bất thường kéo dài xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua khiến hàng chục nghìn ha trồng lúa, hoa màu bị ngập úng, nhiều tàu thuyền, ngư lưới cụ, lồng bè ven biển bị sóng đánh chìm, cuốn trôi, vùi lấp… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân; việc xử lý của các cơ quan chức năng về hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trư/ờng trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của người dân; một số đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... gọi điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân mặc dù đã được các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp triệt phá nhưng vẫn còn tiếp diễn hết sức phức tạp.
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân cũng đặc biệt quan tâm, phản ánh về tình trạng một số hộ dân đã có hành vi xây nhà, trồng cây dày đặc trên khu vực đất đang được triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Tình trạng chặt phá rừng, san ủi với quy mô lớn nhằm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh dịch vụ tại một số địa phương đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực các tỉnh Tây Nguyên, có sự tiếp tay, buông lỏng trách nhiệm quản lý đất đai của cán bộ cấp cơ sở. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đề cập về Kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình khẳng định: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy hầu hết các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến. Đến nay đã có 2.725 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (chiếm 95,71%). Tuy nhiên vẫn còn 122 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, của các cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 11 và Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình.
Thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH15 ngày 15/10/2021 về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, đối với 32 vụ việc cụ thể Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kiến nghị, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết được 17 vụ việc, còn 15 vụ việc đang xem xét, giải quyết, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc này.
Về hoạt động giám sát và đề xuất theo dõi, giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài, thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và cho ý kiến về việc tổ chức giám sát thực tế tại 08 bộ ngành và 06 địa phương, Đoàn giám sát đã tổ chức Phiên họp thứ 3; ban hành Kế hoạch giám sát thực tế tại 08 Bộ ngành và 06 địa phương; phân công, tổ chức 14 Tổ công tác do thành viên Đoàn giám sát làm Tổ trưởng để thực hiện khảo sát, đánh giá kết quả giám sát ban đầu tại 08 Bộ ngành và 06 địa phương Lào Cai, Kiên Giang, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Khánh Hòa. Đến nay, Đoàn giám sát đã thực hiện xong hoạt động khảo sát, giám sát đối với 08 Bộ ngành; đã thực hiện khảo sát được 2/6 địa phương và đang tiếp tục khảo sát, giám sát tại các địa phương còn lại theo kế hoạch.
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục được duy trì thường xuyên và đi vào nề nếp; việc nghiên cứu chuyển những đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quan tâm chú trọng, đảm bảo thực hiện đúng quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; việc theo dõi, đôn đốc, rà soát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền được quan tâm, góp phần thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Các địa phương tăng cường giải quyết đơn thư của công dân gửi tới
Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào nội dung giải quyết đơn thư của công dân gửi tới các Bộ ngành, địa phương. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với Báo cáo của Ban Dân nguyện về Công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội. So với các nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự đổi mới là đã đưa nội dung chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận qua các cuộc giám sát đã thể hiện quyết tâm, trách nhiệm đi đến cùng vấn đề chất vấn và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vấn đề về quy hoạch ở các địa phương.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đóng góp ý kiến tại Phiên họp.
Tuy nhiên, những vấn đề nóng khiến cử tri và nhân dân quan tâm như tiến độ, trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan đến một số quan chức lãnh đạo, hành vi thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu cần được đề cập rõ nét hơn trong các Báo cáo về Công tác dân nguyện. Bởi vì đây là vấn đề tác động lớn đến xã hội, cho thấy sự kiên quyết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vi phạm pháp luật là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nên nhờ đó củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Ngoài ra, một số dự án treo, chậm tiến độ, doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích cũng cần có đánh giá thêm và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng lưu ý đến công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư của công dân. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xem xét và quan tâm hơn đến vấn đề tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân gửi tới, tránh đùn đẩy trách nhiệm, đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng khuyến nghị các cơ quan báo chí thông tin về tình hình các Bộ ngành, địa phương giải quyết đơn thư của công dân nhằm mục đích tạo sự chuyển biến đối với công tác này.
Đề cập về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới yêu cầu các địa phương có báo cáo về tình hình giải quyết đơn thư của công dân gửi đến. Theo đó, cần làm rõ đơn thư gửi tới là nổi lên ở nội dung, lĩnh vực nào. Việc làm này cũng là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội nhằm phản bác lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc để chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại Phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, Thanh tra Chính phủ cơ bản đồng tình, thống nhất với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022. Về các nội dung, các yêu cầu thì Thanh tra Chính phủ cũng đã cung cấp, phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan báo cáo đầy đủ các nội dung. Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, rà soát lại việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư và xử lý đơn thư của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Làm rõ thêm về ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng bày tỏ sự đồng tình với báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an đã nhận được 121 kiến nghị của cử tri, trong đó có 100 kiến nghị từ Ban Dân nguyện và 21 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuyển đến. Cho đến nay, 100% kiến nghị của cử tri đối với trách nhiệm của Bộ Công an đã được giải quyết và không có kiến nghị nào trễ hạn hoặc quá hạn.
Về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Công an đã tập trung xây dựng thể chế đồng bộ để xử lý triệt để, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 Nghị định và 6 Thông tư điều chỉnh toàn diện về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; Tập trung chỉ đạo xử lý một khối lượng rất lớn các đơn thư được tiếp nhận và đạt tỷ lệ giải quyết đúng quy định pháp luật đến hơn 96% và đã có nhiều thay đổi, đổi mới trong tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu Kết luận tại Phiên họp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 đã được tổng hợp trên cơ sở báo cáo các cơ quan, các đoàn đại biểu Quốc hội, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, trong đó cũng có một số hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Nội dung khái quát tổng hợp hoạt động dân nguyện của Quốc hội, cung cấp thông tin, đánh giá, nhận định tình hình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá chất lượng báo cáo ngày càng tiến bộ, nêu rõ kiến nghị của cử tri, những vấn đề nổi cộm, kết quả giải quyết, trả lời các cơ quan thẩm quyền, tình hình tiếp công dân, giải quyết đơn, thư và có báo cáo thêm Đoàn giám sát chuyên đề.
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và làm rõ hơn tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở dưới địa phương, kể cả vụ việc đến cơ sở ở Trung ương. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Ban Dân nguyện tổng hợp báo cáo tại phiên họp thứ 11 và chuẩn bị Báo cáo công tác dân nguyện để báo cáo với Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 3./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới yêu cầu các địa phương có báo cáo về tình hình giải quyết đơn thư của công dân gửi đến.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề cập việc tiếp nhận những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng làm rõ thêm những vấn đề mà các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.