Tại phiên họp, nêu rõ, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là hai vấn đề nóng thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Trong đó cần làm rõ những rủi ro do các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và cần có những giải pháp phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, thời gian qua, thị trường chứng khoán xuất hiện tình trạng thao túng giá, làm giá và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết. Điều này làm cho thị trường chứng khoán tăng trưởng thiếu bền vững, thiếu ổn định. Do đó, cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc để xảy ra tình trạng này.
Cùng với đó, thị trường quyền sử dụng đất có dấu hiệu bất ổn. Hiện tượng những sai phạm trong đấu giá đất, hiện tượng môi giới bất động sản liên kết với nhau đẩy giá đất lên cao, gây sốt đất và làm bất ổn thị trường, chúng tôi đề nghị cần phải có giải pháp để giải quyết tình trạng này. Việc sử dụng đất đai còn có lãng phí, nhiều nơi đất đai để lâu không đưa vào sử dụng. Khiếu nại tố cáo về đất còn nhiều và diễn biến phức tạp, chiếm gần 70% trong tổng số các khiếu nại.
Cùng vấn đề quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, xử lý những vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể như tình trạng cố tình đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi, hiện tượng cò đất, thổi giá đất làm bất ổn thị trường, việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát ngân sách nhà nước, hiệu quả sử dụng đất ở các dự án đang có nhiều hạn chế. Các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ trống gây lãng phí, v.v.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Cho biết, đây là vấn đề Hội nghị Trung ương 5 vừa qua có thảo luận và để sẽ ban hành nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, từ nay cho đến khi Luật Đất đai được sửa đổi cần phải có giải pháp để khắc phục những vấn đề bất cập thời gian qua liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, chứ không chờ cho đến khi ban hành Luật Đất đai được sửa đổi.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, đất nền vùng ven tại một số nơi tăng nóng lên cao gấp 2 đến 3 lần, thậm chí tới 5 lần trong vòng 1 năm. Nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là hoạt động đầu cơ. Việc thị trường bất động sản phát triển nóng có tính chất đầu cơ sẽ dẫn đến khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức cá nhân tăng cường đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản cho thấy cầu tiêu dùng yếu. Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, góp phần tạo thêm bong bóng giá chứng khoán và bất động sản.
Nhấn mạnh đây là vấn đề cần phải quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm, lượng vốn lớn đổ vào kinh doanh chứng khoán và bất động sản lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chiếm tới 20,11% dư nợ toàn hệ thống. Kinh doanh chứng khoán và bất động sản trong năm 2021 cũng những linh vực kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần chủ động cung cấp thông tin trước những vấn đề cử tri, dư luận, Nhân dân quan tâm
Vừa qua, Chính phủ đã có Hội nghị chỉ đạo về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Đây cũng là nội dung đại biểu Quốc hội cũng như dư luận nhân dân quan tâm. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần chủ động cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội cũng như dư luận Nhân dân trong nước, đề nghị Chính phủ cũng cần có báo cáo đánh giá cụ thể, chi tiết hơn trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề này.
Điểm lại một số vấn đề cần tiếp tục đánh giá làm rõ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải bám sát và các nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội về vấn đề phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết 43/2022/QH15 về gói chính sách tài khóa và tiền tệ và các nghị quyết khác của Quốc hội về các kế hoạch trung hạn 5 năm để đánh giá tình hình triển khai hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần tiếp tục đánh giá làm rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát trước tình hình diễn biến rất bất thường về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ rõ, chứng khoán bây giờ quá bất thường, sáng ngày 10/5 giảm đến 54 điểm, chiều lại đảo chiều trở lại tăng lên dương; có ngày, một phiên mà giảm đến hơn 4,4%, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề với diễn biến bất thường như thế liệu có thể yên tâm được không. Do đó, cần phải đánh giá cho kỹ các vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số vấn đề cần quan tâm làm rõ
Ngoài ra, đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp khi để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng. Các báo cáo cần thẳng thắn, nêu rõ số liệu cung cấp đến đại biểu Quốc hội về tổng số phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là bao nhiêu, trong đó trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu, nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu.v.v Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, không thể nói chung chung, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo làm rõ việc triển khai thực hiện cơ cấu lại các lĩnh vực liên quan đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là cân đối về năng lượng, cân đối về điện, tình hình cung ứng xăng dầu.
Liên quan đến đánh giá tình hình NSNN, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vượt thu ngân sách nhà nước tăng hơn 9 lần so với số đã báo cáo Quốc hội. Kết quả này cho thấy, điểm đáng mừng là có ngân sách tăng thu, song mặt khác cũng thể hiện công tác dự báo, phân tích, đánh giá còn yếu kém. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích lý giải cho số liệu vượt thu này, phân tích tính chất không bền vững của các khoản thu này khi chủ yếu tăng thu từ khai thác tài nguyên và thu từ đất; lý giải một số địa phương tăng trưởng âm nhưng lại có vượt thu ngân sách cao; làm rõ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương ngày càng giảm đi; giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục có khó khăn, nhất là giải ngân của vốn ODA rất ì ạch, chỉ đạt có 32,8% dự toán, làm rõ tắc nghẽn do đâu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các báo cáo bổ sung, làm rõ các số liệu
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các báo cáo tập trung làm rõ những vấn đề nổi lên, lưu ý không đánh giá chung chung "chậm", "hạn chế" mà chỉ rõ chậm thế nào, hạn chế thế nào, số liệu phải trở thành những con số biết nói.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các báo cáo cập nhật, nêu rõ số liệu để đại biểu Quốc hội được biết. Trong đó, phân tích cho việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 thành một mục riêng, triển khai các chính sách kích thích kinh tế, đánh giá các mặt triển khai các mặt từ y tế, giáo dục, đầu tư công, khả năng giải ngân, việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng khi có gói kích thích kinh tế được ban hành. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh báo cáo tóm tắt trình bày trước Quốc hội cần chắt lọc từ báo cáo chính thức đưa lên những vấn đề lớn, cósố liệu dẫn chứng minh họa rất cụ thể. Báo cáo bảo đảm tăng cường tính phản biện, có tính xây dựng với mục tiêu nhân văn. Ghi nhận thành tựu đạt được, những cố gắng lớn từ trung ương cho đến địa phương; biểu dương những địa phương, bộ ngành thực hiện tốt. Đồng thời chỉ rõ cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt./.