CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XĂNG DẦU LÀ MẶT HÀNG CHIẾN LƯỢC VỪA PHẢI BẢO ĐẢM NGUỒN CÙNG VỪA BẢO ĐẢM BÌNH ỔN GIÁ

06/07/2022

Trước diễn biến phức tạp của giá xăng dầu trong nước và quốc tế liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức phiên họp bất thường vào sáng 06/7 để xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xem xét kỹ lưỡng các nội dung cả về mức giảm thuế và điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn tới.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường xem xét thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của dư luận xã hội và người dân bởi đây là điều mà người dân đang hết sức mong đợi khi giá xăng dầu liên tục tăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã điều chỉnh 17 lần. Tính đến ngày 06/7, giá xăng trong nước đang ở mức: xăng E5 RON 92 không quá 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.763 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.615 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.353 đồng/lít và dầu mazut không quá 19.722 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng và tạo áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình đó, ngày 04/7, Chính phủ đã có Tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Ngay khi nhận được Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và ngày 05/7, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tiến hành phiên họp thẩm tra đối với Tờ trình của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xăng, dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Do đó, nguyên tắc quản lý giá xăng, dầu theo quy định trong Luật Giá, quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước và xăng, dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá.

Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas khoảng 1,45%. Cũng theo tính toán của từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Do đó, trong bối cảnh giá dầu tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lần này lạm phát không còn là cục bộ mà do tác động kép của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị xung đột trên thế giới, đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu, lương thực, về vật tư, nguyên liệu đều tăng. Các nước châu Âu, Mỹ  đều lạm phát rất cao. Trong khi đó, nước ta đang trong chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiềm chế lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng, trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho người dân. Vì vậy việc xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với giá xăng dầu sẽ có 2 tác động, tác động trực tiếp từ việc giảm giá xăng dầu, giảm tiêu hao chi phí gián tiếp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự phiên họp

Chủ tịch Quốc hội đề nghị căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế bảo vệ môi trường; đồng thời cho ý kiến về điều hành xăng dầu trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, xuất phát từ tình hình giá thế giới tăng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần ban hành Nghị quyết để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Riêng Khóa XV đã có 2 nghị quyết, đó là Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay. Tại thời điểm giá xăng dầu tăng cao đỉnh điểm vào tháng 3/2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và ban hành Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 để tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và có hiệu lực từ 1/4. Tuy nhiên đến nay, giá bán lẻ xăng dầu không giảm mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp tăng. Do đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm đến hết mức sàn theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến thời hiệu của Nghị quyết, Chính phủ đề xuất có hiệu lực từ ngày hiệu lực từ 01/8 đến 31/12/2022 và khi Nghị quyết này được ban hành sẽ thay thế cho Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15. Đồng thời đề xuất đến ngày 01/01/2023 khung thuế bảo vệ môi trường quay trở lại áp dụng theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận, xem xét để Nghị quyết có thể có hiệu lực sớm hơn được hay không, để có thể thực hiện ngay trong kỳ điều giá xăng dầu gần nhất. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc ngày đêm để sớm xem xét ban hành Nghị quyết này và sớm có hiệu lực. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân đang khó khăn, cố gắng ở mức nào, thời hạn có hiệu lực sớm nhất có thể. 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Liên quan đến các loại thuế khác và điều hành về giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết do tính chất quan trọng của xăng dầu nên vừa phải đảm bảo nguồn cung nguồn cung xăng dầu - đây là yếu tố then chốt, quyết định và vừa vừa phải bình ổn giá.

Trong trường hợp tiếp tục có biến động về giá xăng dầu, có 3 cách để xem xét trong điều hành. Một là tiếp tục xem xét để cắt giảm một số loại thuế và Chính phủ có đề xuất liên quan thuế VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hai là thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Hiện nay thuế nhập khẩu có hai loại là thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do FTA và thuế nhập khẩu ưu đãi MFN. Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA, thuế hiện hành đối với các cam kết hiệp định này, xăng là 8%. Đến ngày 1/1/2023 xăng chỉ còn 5%, dầu vẫn là 0%. Đến ngày 1/1/2024, là thời điểm cuối cùng theo các cam kết này thì cả xăng và dầu đều về 0%. Khi đó, trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu sẽ tự động  giảm. Như vậy trong công thức cơ sở để tính giá xăng dầu không còn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nữa. Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, hiện nay là xăng dầu diesel là 20% và dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%. Đây là thẩm quyền của Chính phủ cần sớm tính toán để phù hợp với việc  thực hiện các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thảo luận thêm giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác