ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

29/10/2022

Sáng ngày 29/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CHẬM BAN HÀNH KẾT LUẬN THANH TRA

TỔNG THUẬT SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 25/10/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, đã có 23 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 01 đại biểu có ý kiến tranh luận và 04 đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời, đóng góp thêm ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Chiều ngày 27/10/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì cuộc họp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Tổng Thanh tra Chính phủ, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính và đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để trao đổi một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan, Thường trực Ủy ban Pháp luật xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, gồm: Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thành lập thanh tra Cục ở địa phương thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc; Về Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ (Mục 7 Chương II); Về Thanh tra sở (Mục 5 Chương II); Về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra (Điều 111); Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ các nội dung theo ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung này.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề lớn xin ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại diện cơ quan soạn thảo tham dự phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tài liệu

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác