Chính phủ đề xuất trình 05 nội dung trọng tâm
Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 05 nội dung trọng tâm, bao gồm:
Thứ nhất, xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.
Thứ hai, xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Thứ ba, xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Thứ tư, xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).
Thứ năm, cho ý kiến về 03 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Liên quan đến các đề xuất của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT: Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản về nội dung này và cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, đối với 03 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân: Hiện Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung 03 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023, do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;...
Chỉ xem xét, quyết định những nội dung cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp bất thường chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của một trong các chủ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ hoặc là 2/3 ĐBQH kiến nghị và chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao,...
Nhấn mạnh mặc dù là vấn đề cấp bách nhưng nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì cũng không thể xem xét tại Phiên họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các nội dung Chính phủ trình phải thể hiện, đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí nêu trên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Cơ bản thống nhất với đề xuất nội dung trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tập trung vào 04 nhóm nội dung chính bao gồm: (1) Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; (2) Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (3) Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; (4) Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và đáp ứng thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Đối với các nội dung còn lại, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo quy định về thời gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn ủng hộ việc đưa vào xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tháng 01/2023
Căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 02 phương án tổ chức. Theo đó:
Phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 01/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội thống nhất thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2023. Liên quan đến hình thức tổ chức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục cân nhắc một trong hai phương án: phương án 1 theo hình thức họp trực tuyến (tập trung ĐBQH hoạt động chuyên trách và kết nối với các điểm cầu tại địa phương) và phương án 2, tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Góp ý tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị nên tổ chức họp tập trung tại Nhà Quốc hội vì số ngày diễn ra kỳ họp ngắn, nội dung không nhiều; nếu tiến hành họp theo phương thức cả tập trung và trực tuyến là không cần thiết.
Nêu quan điểm về hình thức tổ chức Kỳ hop, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu cấp bách, cần bố trí tổ chức Kỳ họp trong khoảng thời gian10 ngày đầu tiên của tháng 1/2023. Về hình thức tổ chức, tùy thuộc vào công tác chuẩn bị, đề nghị cân nhắc lựa chọn hình thức họp trực tuyến để đảm bảo tính linh hoạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phát biểu về việc chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản thống nhất với 04 nhóm nội dung trọng tâm. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung được trình tại Kỳ họp để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan thẩm tra phối hợp sớm với các cơ quan của Chính phủ đảm bảo hồ sơ, tài liệu của trình tại Kỳ họp đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Nhất trí với các ý kiến trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, thời gian tổ chức Kỳ họp bất thường phải diễn ra trong 10 ngày đầu của tháng 1/2023 để kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra. Đối với hình thức tổ chức kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tùy vào điều kiện và tình hình thực tế sẽ quyết định lựa chọn phương án phù hợp, mang tính tối ưu./.