137 NHIỆM VỤ LẬP PHÁP CỤ THỂ GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG CƠ QUAN

19/12/2022

Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 và tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch lập pháp tổng thể mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan …

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 81/KH-UBTVQH15 VÀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT PHÁP LỆNH: NHIỀU ĐỔI MỚI THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Với vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Một trong những điểm mang tính đột phá trong công tác lập pháp là việc Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và ban hành Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 và tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch lập pháp tổng thể mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan để tiến hành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ giới hạn các nhiệm vụ cần phải triển khai mà còn yêu cầu các cơ quan thường xuyên rà soát các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kịp thời cập nhật, đề xuất bổ sung nhiệm vụ mới cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV

Sau hơn 9 tháng thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ và các cơ quan tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 kết hợp với việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo kế hoạch với tinh thần “lập pháp chủ động”.

Việc xem xét đề nghị xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết thời gian qua được thực hiện thận trọng, sát hơn với yêu cầu thực tế, tăng tính hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong từng công đoạn của quy trình ban hành văn bản.

Một số nội dung được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét với tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án còn nhiều chính sách cần phải rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động, thiếu sự đồng thuận cao của các cơ quan như: Đề nghị về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải chuẩn bị lại 02 lần trước khi được bổ sung vào Chương trình; chưa chấp nhận đề nghị bổ sung vào Chương trình đối với 02 dự án bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Ngoài ra, đối với những dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến nhưng chưa đồng ý ban hành, thì việc bổ sung vào Chương trình phải được đưa ra Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm sự thận trọng, đúng thẩm quyền, như các dự án: Luật Đường bộ (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Từ sau kỳ họp thứ 2 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định 09 lần điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cụ thể:  Điều chỉnh 02 lần Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để bổ sung 01 luật, 05 nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp (tháng 10/2021); điều chỉnh 07 lần Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để bổ sung 03 luật, 07 nghị quyết trình Quốc hội trong năm 2022.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định 01 lần trình Quốc hội điều chỉnh (Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 bổ sung 06 dự án luật vào Chương trình năm 2022). Trong đó, bổ sung 10 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại 03 kỳ họp; điều chỉnh thời gian trình 01 dự án luật cho phù hợp với yêu cầu thực tế , bảo đảm chất lượng, kịp thời thể chế hoá các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đồng bộ cho phát triển đất nước.

Với tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, phương thức hoạt động chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp quan trọng vào thành công trong công tác lập pháp của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo trình Quốc hội, kết quả đạt và vượt kế hoạch đề ra./.

Lê Anh

Các bài viết khác